Cần Thơ chú trọng quản lý về tài nguyên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, TP. Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều thành tựu trong bảo vệ môi trường
Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Thành ủy “Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH) trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, hội nghị đã thống nhất một số điểm nổi bật trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, hội nghị cũng chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, TP. Cần Thơ thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải đô thị; giám sát chặt chẽ tình hình thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất, chế biến.
Tính đến năm 2021, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch ở đô thị đạt 98%, ở nông thôn đạt 85,5%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 98,42%; quan trắc diễn biến các thành phần môi trường đất, nước, không khí, các chỉ số nằm trong ngưỡng cho phép.
Thành phố đã thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân được 137.769ha, đạt tỷ lệ 99,82%. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cải tiến, có sự gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành và lồng ghép với Chương trình ứng phó BÐKH.
Về hoạt động thăm dò, khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Cụ thể, TP. Cần Thơ đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo và các giải pháp chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BÐKH; nhận diện các rủi ro ngày càng nghiêm trọng như sụt lún, sạt lở, nước biển dâng, triều cường gây ngập lụt đô thị, hạn hán, dẫn đến xâm nhập mặn; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp lồng ghép thích ứng BÐKH, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong công tác công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH của TP. Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế, thách thức.
Theo đó, TP. Cần Thơ thực hiện quy hoạch thiếu đột phá, có trường hợp thiếu khả thi; việc lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện chậm so với quy định; việc lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hành trình của phương tiện khai thác cát, vận chuyển cát san lấp trên sông gặp khó khăn; ô nhiễm môi trường có nguy cơ gia tăng do tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, hoạt động y tế, thương mại, dịch vụ; nguồn lực đầu tư cho hoạt động ứng phó BÐKH và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường
Sau khi nghe báo cáo về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH của TP. Cần thơ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ đã phát biểu kết luận hội nghị.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ yêu cầu các cấp, các ngành thành phố tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết cả hệ thống chính trị và toàn dân về bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó BÐKH. Nhanh chóng hoàn chỉnh Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đảm bảo tích hợp đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với BÐKH vào Quy hoạch.
Đồng thời, Thành phố tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động thích ứng, ứng phó với BÐKH, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng hiệu quả sự giúp đỡ của quốc tế về tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực trong ứng phó với BÐKH, sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ cũng giao Ðảng đoàn và lãnh đạo HÐND thành phố xem xét, phân bổ ngân sách hằng năm đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH. Giao Ban cán sự Ðảng và lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ chủ trì tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó BÐKH.
Đồng thời, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ cũng giao Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng, ứng phó BÐKH. Giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố tăng cường chuyên trang, chuyên mục, nâng cao chất lượng tuyên truyền về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH trên địa bàn thành phố; kịp thời phê phán đối với các hành vi vi phạm và biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác này.
Theo bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Cần Thơ, trong thời gian tới, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng chất thải nhựa, túi nilon đối với môi trường; đồng thời tổ chức các hoạt động thu gom, tái chế chất thải nhựa, nhân rộng các mô hình hạn chế sử dụng túi nilon tại các khu, tuyến dân cư...
Văn Thanh