Thứ sáu, 22/11/2024 18:21 (GMT+7)
Thứ ba, 07/03/2023 17:10 (GMT+7)

Loạt đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Theo dõi KTMT trên

VAMA, VAMI và các địa phương đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm, các hãng sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước dần đối mặt với khó khăn, kéo theo sản xuất bị ảnh hưởng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nguồn thu ngân sách của nhiều địa phương trong dài hạn.

Theo VAMA, việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ trong nước đã khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cập tín dụng của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp đang phải gồng mình đối mặt với tình trạng lượng hàng tồn kho tăng cao do sức mua trên thị trường đột ngột giảm mạnh", VAMA cho biết.

Do đó, các cơ quan này đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Các chính sách này được đề nghị ban hành trong quý I hoặc đầu quý II năm nay.

Loạt đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước - Ảnh 1
Doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang phải gồng mình đối mặt với tình trạng lượng hàng tồn kho tăng cao do sức mua trên thị trường đột ngột giảm mạnh.

Theo dữ liệu báo cáo tháng 1 – thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023 của VAMA cho thấy, doanh số bán hàng tháng đầu năm 2023 toàn thị trường đạt 17.852 xe, giảm 60% so với tháng 12/2022 và 54% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, doanh số bán xe trong nước giảm gần một nửa, chỉ đạt 9.228 xe. Có hãng xe lượng bán chỉ bằng 30% của một tháng trước đó. Hiệp hội này nhận diện đây là tín hiệu bất thường, đáng ngại vì tháng có Tết thường là thời điểm lượng bán tăng cao.

Doanh số giảm mạnh nằm ngoài dự tính của VAMA, lượng tồn kho tăng cao đã dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp hiện tại căng thẳng.

Sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: Gián đoạn sản xuất, đơn hàng bị sụt giảm đáng kể cũng như khó tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì nhịp sản xuất nhằm đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trên cơ sở đó, VAMA kiến nghị trong thời gian các hãng điều chỉnh kế hoạch sản xuất để tái cân bằng cung cầu, Chính phủ xem xét ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô, hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ cho xe đăng ký mới ngay trong đầu quý II.

Đồng quan điểm, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng nêu thực trạng tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội.

Theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn 2020-2022, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Khi đó, Chính phủ đã có biện pháp hỗ trợ rất nhanh chóng và đột phá là giảm thuế trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Do đó, Tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, đột phá, kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Với đề xuất trên của các hiệp hội, Bộ Tài chính từng nhận định việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như: Kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP về lệ phí trước bạ và có hiệu lực từ 1/3/2022 và Nghị định 103/2021/NĐ-CP. 

Đáng chú ý, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ  với ô tô điện chạy pin lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo, từ 1/3/2025-28/2/2027 nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Loạt đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới