Lễ khai mạc Asiad 2023 sẽ không bắn pháo hoa để hướng đến mục tiêu "xanh"
Tối nay 19h ngày 23/9 (giờ Việt Nam), lễ khai mạc ASIAD 2023 sẽ được tổ chức tại Sân vận động Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu với sự tham gia của 43 đoàn thể thao Châu Á.
Lễ khai mạc với chủ đề "Hướng về châu Á"
Lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á 2023 - Asiad 19 (19h00 hôm nay 23/9) được nước chủ nhà Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong nhiều năm. Buổi lễ với chủ đề là "Hướng về châu Á" được chờ đợi sẽ mang đến màu sắc văn hóa không chỉ của đất nước hơn một tỷ dân, mà còn của các quốc gia và vùng lãnh thổ có đoàn thể thao thi đấu tại Đại hội.
Theo tiết lộ của báo chí Trung Quốc, điểm nhấn của buổi lễ là màn biểu diễn phun nước nghệ thuật. Các nghệ sĩ phục vụ buổi lễ đã tập luyện trong suốt hơn hai năm qua để tiết mục này thực sự trở nên hoành tráng và hấp dẫn.
Bài hát chính thức của Asiad 19 có tên "The love we share" (tạm dịch "Chúng tôi chia sẻ tình yêu thương") được công bố ngày 24/8 năm nay. Bài hát được trình bày bởi ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc Tôn Nam.
Ngoài ca sĩ nổi tiếng của chủ nhà, lễ khai mạc còn có màn trình diễn của nghệ sĩ đến từ Lebanon, Talia Lahoud, nghệ sĩ người Thái Lan Jannine Weigel và nghệ sĩ Nhật Bản Hiroaki Kato.
Đáng nói là chủ nhà Trung Quốc tuyên bố sẽ không bắn pháo hoa tại lễ khai mạc nhằm hướng đến một Asiad 2023 "xanh" và bảo vệ môi trường.
Linh vật của Asiad 19 là bộ 3 robot Chenchen, Congcong, Lianlian. Bộ linh vật năm nay có tên gọi chung là "Giang Nam ức". Tên gọi này xuất phát từ câu nói nổi tiếng của nhà thơ thời Đường của Trung Quốc Bạch Cư Dị: “Giang Nam ức, tối ức thị Hàng Châu” (có ý nghĩa là “Khi nhớ đến Giang Nam, điều đáng nhớ nhất là Hàng Châu).
ASIAD được đánh giá lớn hơn cả Olympic
Trước ngày khai mạc, tờ Independent (Anh) có bài viết với tựa đề "ASIAD 2023, lớn hơn Olympic và có nhiều môn thể thao đặc biệt". Bài viết này đã chỉ ra những điểm đặc biệt giúp Á vận hội trở nên đại chúng hơn so với Thế vận hội.
Đầu tiên là về số lượng người tham dự, ASIAD lớn hơn Olympic. Các nhà tổ chức cho biết hơn 12.000 người sẽ tham gia khi lễ khai mạc diễn ra vào 23/9 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Con số này nhiều hơn số lượng 10.500 người dự kiến đua tài Thế vận hội Paris 2024.
Số lượng lớn VĐV tham gia là do có hàng loạt sự kiện đặc biệt, những nội dung thi đấu thể thao Olympic không có. ASIAD 2023 có cricket, môn chơi dự kiến xuất hiện tại Olympic 2028 và được đưa vào tranh tài năm 2032. Điều đó cho thấy các môn thi đấu ở ASIAD luôn đi trước, là tiền đề cho những cuộc đua tài tại Olympic.
Bên cạnh cricket, một môn thể thao khác đã xuất hiện từ lâu tại ASIAD nhưng chưa thể chen chân vào Olympic là squash.
Truyền thông châu Âu cũng rất thích thú với các môn thể thao đã duy trì tại ASIAD nhiều kỳ như đua thuyền rồng, cầu mây, wushu, kabaddi, jujitsu, kurash, cờ tướng, cờ vây. Mỗi môn đều mang theo ít nhiều màu sắc văn hóa của quốc gia mình.
Việc mở rộng quy mô thi đấu các môn thể thao đặc thù, giúp các đoàn thể thao nhỏ có cơ hội giành huy chương. Tại Á vận hội Jakarta (Indonesia) 5 năm trước, 37/46 đoàn giành được huy chương và chỉ có 9 đoàn ra về "trắng tay".
Tại Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam tham dự đại hội với 504 thành viên, trong đó có 337 vận động viên tranh tài ở 31 môn thi đấu. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành từ 2 đến 5 HCV ở các môn cầu mây, karate, bắn súng, boxing, cờ tướng.
Ở buổi lễ khai mạc, hai tuyển thủ là Nguyễn Thị Hường (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi) sẽ cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam. Trước đó, vận động viên nữ được chỉ định cầm cờ là Bạc Thị Khiêm (taekwondo).
Tuy nhiên, do khách sạn của đội tuyển taekwondo cách xa địa điểm tổ chức lễ khai mạc nên Nguyễn Thị Hường đã được thay thế vào phút cuối.
Anh Thư