Thứ sáu, 04/10/2024 03:45 (GMT+7)
Thứ hai, 31/01/2022 17:00 (GMT+7)

Lập Tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về đất đai sau thanh tra

Theo dõi KTMT trên

Đây là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, tại TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh, thành khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Tổ trưởng Tổ công tác. Ngoài ra, Tổ phó gồm: Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ (Tổ phó Thường trực); ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT; ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thành viên Tổ công tác là lãnh đạo một số bộ, ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Lập Tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về đất đai sau thanh tra - Ảnh 1
Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, mời 1 lãnh đạo các cơ quan tham gia Tổ công tác: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố.

Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Tổ Công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến đất đai không có vướng mắc, phù hợp với quy định của pháp luật; tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Thống kê của Bộ TN&MT cho biết, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà cơ quan này nhận được hàng năm vẫn còn nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm 98%). Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, trong số 21.274 đơn thư khiếu nại mà Bộ TN&MT nhận được, có tới 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý.

Trước đó, Bộ TN&MT đã có công văn về việc xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, các dự án không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội, nhằm giải quyết dứt điểm những trường hợp vướng mắc để đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số nội dung liên quan.

Luật Đất đai hiện hành còn nhiều bất cập

Sau hơn 7 năm được ban hành và đi vào thực tiễn, Bộ luật Đất đai 2013 đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai tổng kết. Bên cạnh các mặt tích cực, các chuyên gia chỉ ra rằng, các quy định tại Bộ luật Đất đai 2013 hiện vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu từ thực tiễn.

Dù tạo ra những bước chuyển đáng kể so với các Luật trước đó, Luật Đất đai 2013 thiên về quản lý Nhà nước hơn là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng đất, có nghĩa là chưa thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Luật Đất đai đang bị hạn chế về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho những người bị thu hồi đất. Theo đó, giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn.

Hệ thống pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Luật Đất đai 2013 cũng được cho là thiếu đồng bộ. Các chuyên gia cũng chỉ ra, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lập Tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về đất đai sau thanh tra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.