Lãnh đạo địa phương đề xuất nhiều giải pháp phục hồi du lịch Việt
Trong khuôn khổ “hội nghị Diên Hồng” lần thứ 2 của ngành du lịch vừa diễn ra, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vốn được coi là “điểm sáng” và kiểu mẫu của cả nước đã đưa ra nhiều giải pháp hậu COVID-19.
Trong khi du lịch thế giới còn là một viễn cảnh xám xịt thì ở Việt Nam đã bắt đầu le lói những tia hy vọng tươi sáng hơn nhờ hành động kịp thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch nhắm vào phát triển thị trường nội địa.
Và mong muốn phát triển thị trường trong nước càng được thể hiện mạnh mẽ và đậm nét qua tinh thần quyết tâm của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vốn được coi là “điểm sáng” và kiểu mẫu của du lịch Việt trong khuôn khổ “hội nghị Diên Hồng” lần thứ 2 của ngành vừa diễn ra ngày 28/11, tại Quảng Nam - Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020.
Với xhủ đề “Liên kết, hành động và phát triển", lãnh đạo các địa phương đã cùng nhau đưa ra nhiều giải pháp nhằm thống nhất hành động giữa các cấp, ngành trong kế hoạch phát triển du lịch địa phương phù hợp với xu hướng phát triển chung thế giới cũng như diễn biến của COVID-19.
Tăng cường "bắt tay"
Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố và giữa các vùng là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm cho biết lãnh đạo thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo ngành du lịch tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước.
Theo đó, từ năm 2016 - 2019, ngành du lịch thành phố mang tên Bác đã “bắt tay” với 48/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, ông Liêm cũng phải thừa nhận hạn chế là mô hình và tính chất liên kết mới chủ yếu ở cấp sở, ngành nên chưa tạo được chuyển biến mạnh.
Trước những thách thức cần phải "kết bè" hợp tác để hoạt động này thực sự trở thành động lực phát triển du lịch thời gian tới, ông Lê Thanh Liêm đã đề xuất một số giải pháp.
Theo đó, việc hợp tác phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỉ trọng càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ hiện đại, đồng thời gắn liến với công tác đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, hội nhập quốc tế.
Hợp tác phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại theo hướng công nghệ số, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tập trung phát triển mạnh tại các địa bàn trọng điểm du lịch, tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch có tầm cỡ, các điểm đến nổi bật để phát triển thương hiệu quốc gia và khu vực, liên kết chặt chẽ với khu vực và các hành lang kinh tế để mở rộng phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.
Theo ông Liêm, trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể mở cửa thị trường khách quốc tế, cần tập trung phát triển thị trường khách nội địa, vừa đạt mục tiêu kinh tế vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Cũng cần quan tâm đến các đối tượng yếu thế để có chính sách hỗ trợ, kích cầu du lịch phù hợp.
Để phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ liên kết, ông Liêm cho rằng phải gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội các điểm đến; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa khi phát triển liên vùng.
Phải có sản phẩm du lịch chất lượng
Các chuyên gia cũng nhận định rằng dịch bệnh tăng thì du lịch sụt giảm và ngược lại. Năm 2021 dự báo ngành du lịch cả nước và Hà Nội tiếp tục gặp khó khăn. Vậy làm thế nào để phát triển du lịch khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới?
Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, ông Ngô Văn Quý đưa ra 5 đề xuất để phát triển du lịch Thủ đô trong bối cảnh mới.
Đầu tiên, ông Quý cho rằng Hà Nội cần tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, không để dịch bùng phát bên trong, ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, phát triển du lịch nội địa.
Giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới khiến thị trường khách quốc tế còn là ẩn số, thì việc cần làm trong nước là tăng cường quảng bá du lịch nội địa, đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương trong cả nước.
Đối mặt khó khăn, nhưng du lịch Thủ đô cần biến khó khăn thành cơ hội phát triển; các địa phương tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn năng lực... để tạo tiền đề phát triển du lịch mạnh mẽ khi đại dịch được kiểm soát.
Thời đại 4.0, theo lãnh đạo TP.Hà Nội, cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin như quảng bá, truyền thông để thúc đẩy phát triển du lịch.
Cuối cùng, ông Ngô Văn Quý cho rằng không thể thiếu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, trong đó có hai vấn đề chính là: Giảm giá điện cho các doanh nghiệp lữu hành, và giảm số tiền ký quỹ đối với các hãng lữ hành chuyên mảng du lịch quốc tế khi chuyển sang làm du lịch nội địa, giúp họ giảm bớt khó khăn.
Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh
Khẳng định địa phương sẽ tập trung ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch thông minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Với quan điểm du lịch thông minh chỉ có được trên nền tảng của một đô thị thông minh, tỉnh hiện đang tập trung vào hai khía cạnh: Quản lý, điều hành thông minh đối với chính quyền, doanh nghiệp và trải nghiệm các tiện ích thông minh đối với du khách”.
Với chủ trương đó, lãnh đạo tỉnh đang đẩy mạnh số hóa dữ liệu ngành du lịch, không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng đồng bộ, cập nhật dữ liệu liên tục làm nền tảng cho các ứng dụng thông minh. Đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện bộ chuẩn hóa nội dung số giới thiệu 35 điểm đến du lịch tiêu biểu của địa phương…
Tuy nhiên, theo ông Bình, dù nỗ lực, các giải pháp ứng dụng du lịch thông minh ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kết nối chuỗi hệ thống; hạ tầng, thiết bị hỗ trợ còn chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn (big data) trong ngành du lịch vẫn thiếu, các ứng dụng thiết yếu chưa được đưa vào vận hành...
Theo đó, ông Bình đề xuất 4 kiến nghị: Thứ nhất, mong muốn Trung ương chọn Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến thí điểm triển khai loại hình du lịch thông minh. Trong đó, quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống máy chủ, máy trạm, đường truyền tốc độ cao, phủ wifi diện rộng để phục vụ du khách.
Thứ hai, mong tỉnh tiếp tục được hỗ trợ số hóa dữ liệu ngành du lịch và kết nối với dữ liệu của các ngành khác. Bởi sắp tới, tỉnh mở rộng số hóa các nguồn dữ liệu về văn hóa, bảo tồn di sản, dữ liệu về y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thời tiết... nhằm kết nối thông tin số liệu và tiếp cận điểm đến, dịch vụ thông qua các ứng dụng, công cụ phù hợp, theo kịp xu hướng công nghệ tiên tiến.
Thứ ba, cần có các chương trình đào tạo phù hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, nâng cao tư duy, trình độ đội ngũ nhân lực du lịch về công nghệ thông tin và phát triển du lịch thông minh. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác công nghệ lớn để tận dụng tri thức, nguồn lực phát triển.
Thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong ngành du lịch về sự cần thiết và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình hiện nay.
Mai Mai