Lạng Sơn đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm
Là tỉnh có hơn 80% diện tích đất lâm nghiệp, những năm qua Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng. Nhờ thế, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng lấy gỗ đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn và Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp tại một vườn ươm ở xã Sơn Hà. |
Những triệu phú rừng xanh
Thôn Bản Tẳng, xã Khánh Xuân (Lộc Bình), nằm dưới dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có 80 hộ dân. Cuộc sống của người dân đều trông chờ vào vườn rừng. Mỗi hộ đều có từ 0,8 đến 3 ha rừng, chủ yếu là cây thông mã vĩ. Anh Lê Văn Thắng, ở thôn Bản Tẳng cho biết: Từ năm 1996, người dân trong thôn được Nhà nước hỗ trợ triển khai dự án trồng rừng, đến nay đã cho khai thác nhựa. Toàn thôn có hơn 50% số hộ có thu nhập từ rừng thông, bình quân từ 120 đến 200 triệu đồng/hộ/năm. Như gia đình anh có hơn 2 ha rừng thông, trong đó 2.600 cây cho khai thác nhựa, mỗi năm thu gần 300 triệu đồng từ khai thác nhựa thông và gỗ thông.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Bình Lê Minh Tuấn cho biết, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, người dân trong huyện đã khai thác hơn 7.124 m3 gỗ trồng (chủ yếu là gỗ bóc) và hơn 1.774 tấn nhựa thông. Nhựa thông và các loại gỗ thông, bạch đàn, keo đều được các doanh nghiệp thu mua chế biến ngay trên địa bàn và đem đi xuất khẩu.
Ðến với xã giáp biên Bắc Xa (Ðình Lập), 10 năm về trước còn là xã đặc biệt khó khăn, có đến 70% số hộ nghèo, ông Kỳ Dung Phú, ở bản Mạ, nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Xa nhớ lại: Cách đây hơn 10 năm, xã thuộc diện "năm không": không đường đến trung tâm xã, không điện, không trạm xá, không nhà văn hóa thôn bản và không nhà mẫu giáo. Nhưng hiện nay, bản làng đã khang trang rất nhiều nhờ các cánh rừng thông đã cho khai thác.
Chủ tịch UBND xã Bắc Xa Tô Ðức Sơn cho biết, toàn xã hiện có hơn 11.000 ha rừng thông, trung bình mỗi hộ trồng từ 10 đến 20 ha, nhiều hộ trồng khoảng 40 ha. Ðã có khoảng 25% diện tích thông cho khai thác. Năm 2009, cả xã chỉ thu được 85 tấn nhựa thông thì đến năm 2018 đã tăng lên 1.200 tấn, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, trung bình mỗi hộ trồng thông có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Ngoài cây thông là cây chủ lực, người dân Bắc Xa còn mở rộng diện tích cây dược liệu dưới tán rừng. Toàn xã hiện có hơn 75 ha cây sa nhân, ba kích, bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân. Một số hộ dân còn mạnh dạn thành lập các tổ sản xuất chế biến gỗ. Ðiển hình như hộ gia đình anh Chu Văn Tý, ở thôn Khuổi Sâu, đầu tư thiết bị máy móc, mở xưởng chế biến gỗ thông. Từ năm 2018 đến nay, xưởng chế biến gỗ của gia đình tạo việc làm cho 30 lao động, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2018, Bắc Xa là xã thứ ba của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðình Lập Vi Văn Phúc chia sẻ: Ðến nay, toàn huyện có hơn 60 nghìn ha thông, keo, trong đó 49.000 ha thông và có 15.000 ha thông đang cho khai thác nhựa, mỗi năm sản lượng nhựa đạt hơn 7.500 tấn, thu nhập từ 210 đến 230 tỉ đồng. Với gỗ thông và gỗ keo, trung bình mỗi năm người dân khai thác hơn 4.600 m3 gỗ tròn và hơn 12 nghìn tấn gỗ băm dăm, với tổng thu nhập khoảng 30 tỉ đồng/năm. Thông mã vĩ là cây lấy gỗ, trồng từ 15 tuổi trở lên mới cho khai thác nhựa. Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, chất lượng nhựa thông ở Ðình Lập tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.
Nhận thấy lợi ích từ trồng rừng nên hằng năm người dân ở Ðình Lập luôn trồng mới từ 1.200 ha rừng thông và keo trở lên. UBND huyện Ðình Lập đã xây dựng quy hoạch trồng rừng, hình thành các vùng trồng thông và keo, quế...
Tạo động lực cho phát triển ngành lâm nghiệp
Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một thế mạnh cho nên trong những năm qua, Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách như: hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh trồng mới hơn 90 nghìn ha rừng, bình quân đạt 9.500 đến 10.500 ha/năm, góp phần tăng độ che phủ của rừng đến nay lên hơn 62%.
Lạng Sơn hiện có 171 doanh nghiệp và xưởng chế biến gỗ, hằng năm chế biến khoảng 20.500 m3 ván xẻ, 45.500 m3 ván bóc, 20.000 tấn nhựa thông, 6.000 đến 6.500 tấn hồi khô. Tại huyện Hữu Lũng, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Sao Bắc Việt đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao với các dây chuyền tự động hóa; sản phẩm ván ép đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tại hai huyện Lộc Bình và Ðình Lập, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nhựa thông xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn Hoàng Văn Chiều khẳng định: Trong 10 năm trở lại đây, ngành lâm nghiệp của tỉnh Lạng Sơn có nhiều chuyển biến tích cực; việc quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp cơ bản được thực hiện hợp lý, hiệu quả và đạt được những kết quả rõ nét về kinh tế - xã hội và môi trường.
Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2010 là 657 tỉ đồng, đến nay đạt 3.659 tỉ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững; diện tích đất có rừng tăng qua các năm. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Lạng Sơn đầu tư hơn 46,7 tỉ đồng cho lâm nghiệp, chiếm 0,39% tổng mức đầu tư trong toàn tỉnh.
Các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của tỉnh cơ bản có thị trường tiêu thụ, không có hiện tượng dư thừa, mất giá; nhiều sản phẩm mang lại nguồn thu lớn cho chủ rừng, góp phần tạo việc làm với thu nhập khá cho người lao động vùng nông thôn, miền núi, giảm tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết: Ðể tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển lâm nghiệp, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp có hiệu quả, hội nhập được với xu thế thị trường thế giới về sản phẩm lâm nghiệp, thời gian tới, tỉnh xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm gồm: Tập trung các biện pháp quản lý và kỹ thuật để cải thiện chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng nguyên liệu tập trung, ổn định; áp dụng các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tổ chức khâu chế biến lâm sản hợp lý để nâng cao giá trị rừng trồng và giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh; thúc đẩy mở rộng thị trường đối với các sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh, nhất là các thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Vi Hùng Tráng