Lâm Đồng: Thiết bị công nghệ phát huy ưu điểm bảo vệ rừng
Hạt kiểm lâm huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng áp dụng các ứng dụng, thiết bị công nghệ vào trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng chức năng làm tốt vai trò quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan.
Với đặc thù là địa bàn huyện có tổng diện tích rừng tự nhiên rộng 52.696 ha, nhưng lực lượng quản lý mỏng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm ở đây gặp nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đặt hiệu quả cao. Từ tháng 8/2021 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hỗ trợ lực lượng phát hiện các vụ cháy rừng để kịp thời xử lý. Đặc biệt, các phần mềm chuyên ngành này đã hỗ trợ công tác xác minh, thu thập thông tin biến động rừng tại hiện trường, xác định ranh giới, tọa độ chính xác và hiệu quả.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện được UBND huyện Đạ Tẻh trang bị 3 flycam phân bổ về các chốt: Thôn K’long, Mỹ Đức và Quốc Oai giúp phát hiện và kịp thời xử lý các vụ vi phạm, lấn chiếm rừng và công tác PCCCR. Để thành viên tại các chốt bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn thực hiện hiệu quả các thiết bị flycam, bên cạnh mở các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn cách sử dụng, lưu trữ dữ liệu… Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh yêu cầu mỗi tiểu khu thuộc địa bàn quản lý phải thực hiện bay kiểm tra ít nhất một lần/tháng, đảm bảo kiểm soát được toàn bộ diện tích rừng được giao quản lý.
Thường xuyên sử dụng flycam để kiểm tra rừng, đặc biệt, đối với những khu vực có khả năng xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, trường hợp phát hiện vi phạm phải lưu trữ dữ liệu, báo cáo kịp thời cho Hạt và cơ quan liên quan để điều tra, xử lý theo quy định. Đối với các dữ liệu sau khi bay, phải tải xuống lưu trữ và phục vụ việc xử lý dữ liệu, khoanh vẽ lập bản đồ.
Dữ liệu do flycam ghi được thể hiện rõ ngày, tháng kiểm tra và lưu tại máy tính của chốt quản lý bảo vệ rừng, sau đó gửi về lưu trữ tại máy chủ của Hạt Kiểm lâm huyện để phục vụ công tác kiểm tra quản lý bảo vệ rừng của Huyện ủy, UBND huyện khi cần thiết và bảo quản theo chế độ mật.
Các thiết bị flycam có thể bay cao tối đa 500 m, bán kính quan sát tầm 8 km, giúp lực lượng kiểm lâm quan sát bao quát góc rộng từ trên cao. Thiết bị này rất phát huy được nhiều ưu điểm, giúp cho lực lượng kiểm lâm trong việc phát hiện các đám cháy, hoạt động chặt phá rừng và đặc biệt sẽ giúp giảm sức lao động của lực lượng kiểm lâm.
Ông Nguyễn Văn Khoát, Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng liên ngành Mỹ Đức cho biết: Trước đây, các cán bộ kiểm lâm thực hiện việc tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ xuyên rừng, 1 giờ đồng hồ chỉ có thể đi được khoảng 4 km. Trong khi hiện nay, với thiết bị bay flycam, chỉ cần bay 30 phút là có thể bao quát toàn bộ cánh rừng, lực lượng kiểm lâm chỉ cần ngồi ở trung tâm theo dõi hình ảnh được truyền về từ thiết bị.
“Ngày trước, khi xảy ra cháy rừng, lực lượng kiểm lâm chủ yếu xác định theo hướng khói và phải mất rất nhiều thời gian để xác định vị trí cháy, rồi tìm phương án di chuyển, tiếp cận đám cháy mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi phần mềm phát hiện cháy rừng có cảnh báo, flycam sẽ được sử dụng để xác định vị trí nhanh chóng và chính xác.
Đặc biệt, đối với các khu vực rừng có địa hình phức tạp, cao, dốc, khe, suối hoặc vách đá, việc sử dụng flycam trong phát hiện có cháy mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp lực lượng kiểm lâm xác định chính xác vị trí cháy, từ đó có phương án, tổ chức lực lượng tiếp cận nhanh khi có tình huống xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn, gây ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, giảm thiểu rủi ro”, ông Khoát nói.
Trước đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai sử dụng thiết bị bay flycam để hỗ trợ công tác giám sát diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình thử nghiệm và bước đầu qua thực hiện thực tế tại hiện trường cho thấy việc sử dụng thiết bị bay flycam có ưu điểm vượt trội hơn so với công cụ truyền thống. Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng cũng đã chính thức đưa vào sử dụng công cụ này để đánh giá kết quả quản lý, bảo vệ rừng.
Thanh Tùng