12 doanh nghiệp cam kết đầu tư hơn 142 nghìn tỷ đồng vào tỉnh Lâm Đồng
Ngày 23/6, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm du lịch mang tầm khu vực
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, Lâm Đồng là địa phương sở hữu khí hậu, cảnh quan, những giá trị văn hóa đặc sặc, đi đầu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh có đầy đủ điều kiện hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao; hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.
Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu trong thời kỳ này đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá; phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế…
Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tỉnh luôn chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh
12 doanh nghiệp cam kết đầu tư hơn 142 nghìn tỷ đồng
Tại hội nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 doanh nghiệp; trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho 5 tập đoàn. Tổng số vốn mà các tập đoàn, công ty cam kết đầu tư vào Lâm Đồng lên đến hơn 142.000 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh công bố danh sách 227 dự án ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới, trong đó có 62 dự án khu dân cư, đô thị, 36 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 36 dự án lĩnh vực y tế, 34 dự án văn hóa, thể thao và du lịch, 20 dự án thương mại dịch vụ, 12 dự án phát triển nông nghiệp, 11 dự án công nghiệp…
Trong số 227 dự án, UBND tỉnh nhấn mạnh một số dự án trọng tâm, trọng điểm thu hút đầu tư như: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Cao tốc Nha Trang - Liên Khương, Tổ hợp nhà máy tuyển bauxit và chế biến alumin; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt, Khu đô thị Liên Khương Prenn, Khu đô thị phía Đông Đà Lạt, Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và TP. Bảo Lộc…
Đường Thảo