Thứ ba, 26/11/2024 02:18 (GMT+7)
Chủ nhật, 30/05/2021 11:00 (GMT+7)

Lâm Đồng: Dân đồ đất tràn lan lấn chiếm Hồ thủy lợi Próh

Theo dõi KTMT trên

Hồ thủy lợi Próh là 1 trong 5 hồ có sức chứa lớn của tỉnh đang có nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng nhất, cần được gia cố khắc phục khẩn cấp trong mùa mưa lũ năm 2021.

Hồ thủy lợi Próh có dung tích 3,2 triệu m3 nằm trên địa bàn xã Próh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có nhiệm vụ tưới nước cho 600ha rau màu của 2 xã trong khu vực.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đây là 1 trong 5 hồ có sức chứa lớn của tỉnh đang có nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng nhất, cần được gia cố khắc phục khẩn cấp trong mùa mưa lũ năm 2021.

Lâm Đồng: Dân đồ đất tràn lan lấn chiếm Hồ thủy lợi Próh - Ảnh 1
Khu vực bị tác động san lấp, lấn chiếm. (Ảnh: Quốc Hùng- Nguyễn Dũng/TTXVN)

Nguyên nhân xảy ra tình trạng hư hại nghiêm trọng tại hồ này được cho là việc đổ đất lấn chiếm tràn lan lòng hồ và xe tải chạy bừa bãi trên mặt đập không thể xử lý.

Ngày 27/5/2021, nhóm phóng viên có mặt tại Hồ Próh đã chứng kiến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hồ thủy lợi này: trên mặt con đập bị vỡ nát, các phương tiện, xe tải vẫn chạy qua dù đã bị cấm.

Hai trụ bêtông và cây thép cắm trên mặt đập để ngăn cản các loại xe lớn chạy qua bị cán vỡ, đổ. Hàng chục khu nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa đã được dựng tràn xuống mép hồ. Nghiêm trọng hơn là một bãi đất mới được đổ để san lấp hàng trăm m2 lòng hồ ngay gần khu vực đập.

Bãi đất này do ông Nguyễn Xuân Hải, sinh năm 1975, có địa chỉ ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) vào đây làm 1 căn nhà dạng như nhà nghỉ dưỡng ở bên cạnh hồ, “nhân tiện” đưa máy múc vào đổ đất lấn chiếm lòng hồ.

Ông Đỗ Phú Hòa, Cán bộ Trạm Quản lý-Khai thác thủy lợi Đơn Dương là người trực tiếp quản lý Hồ thủy lợi Próh, cho biết vụ việc san lấp này xảy ra ngày 11/4/2021. Ngay khi phát hiện ra, nhân viên quản lý hồ đã tổ chức ngăn chặn và báo Ủy ban Nhân dân xã Próh phối hợp xử lý, nhưng ông Nguyễn Xuân Hải vẫn ngang nhiên làm tiếp.

Khi lập biên bản, tại hiện trường có một máy múc hiệu Hitachi đang đào đất trong phạm vi lòng hồ, lấn chiếm khoảng 400 m2 từ mép nước trở ra giữa hồ.

Do Trạm Quản lý-Khai thác thủy lợi Đơn Dương không có chức năng xử phạt đối tượng vi phạm, nên chỉ lập biên bản ngăn chặn và báo chính quyền địa phương xử lý. Nhưng không hiểu lý do gì mà đến nay, đối tượng vi phạm vẫn chưa thực hiện khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng lòng hồ.

Lâm Đồng: Dân đồ đất tràn lan lấn chiếm Hồ thủy lợi Próh - Ảnh 2
Toàn cảnh hồ thủy lợi Próh. (Ảnh: Quốc Hùng-Nguyễn Dũng/TTXVN)

Làm việc với Ủy ban Nhân dân xã Próh, ông Châu Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, đã cung cấp cho nhóm phóng viên hồ sơ xử lý vụ việc gồm 1 biên bản vi phạm, 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 1 biên lai nộp phạt 200.000 đồng và 1 bản cam kết của người vi phạm sẽ trả lại nguyên trạng lòng hồ trước ngày 30/4/2021.

Tuy nhiên, khi được hỏi lý do tại sao một hành vi vi phạm nghiêm trọng như vậy mà chỉ bị xử phạt 200.000 đồng và không có biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, ông Kỳ cho biết do mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã được 2 tháng nên chưa am hiểu hết công việc. Ông hứa sẽ xem xét nghiêm túc vụ việc này.

Những năm qua, tại khu vực Hồ thủy lợi Próh đã xảy ra rất nhiều vụ việc phức tạp và Trạm Quản lý-Khai thác thủy lợi Đơn Dương cũng đã làm rất nhiều văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương tích cực xử lý, nhưng chưa nhận được sự phối hợp cần thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Quản lý-Khai thác thủy lợi Đơn Dương, Hồ Próh được xây dựng vào khoảng những năm 1980. Trước đây do hồ sơ thiết kế của hồ bị mất, nên việc quản lý rất phức tạp, xảy ra tình trạng người dân xâm lấn hành lang bảo vệ của hồ.

Đến năm 2017, các cơ quan chức năng đã tổ chức đo vẽ và cắm mốc chỉ giới xung quanh hồ.

Nhưng do giá đất nông nghiệp tại khu vực này ngày càng lên cao, nên các hộ dân sống xung quanh hồ đã liên tục lấn chiếm, dựng hàng rào B40 chiếm luôn cả khu vực có mốc chỉ giới, tổ chức san gạt, mua bán, sang nhượng đất trái phép.

Phức tạp nhất là khi nhân viên bảo vệ hồ đến ngăn chặn, họ đều đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khẳng định mình sở hữu hợp pháp diện tích đất trên.

Lâm Đồng: Dân đồ đất tràn lan lấn chiếm Hồ thủy lợi Próh - Ảnh 3
Chủ căn nhà ven hồ này đã lấp khoảng 400 m2 lòng hồ để lấn chiếm đất nhưng chỉ bị xử phạt 200.000 đồng. (Ảnh: Quốc Hùng-Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo danh sách nhân viên quản lý hồ tự thống kê, hiện có từ 35-38 hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ hồ thủy lợi Próh này.

Đặc biệt, bà Tuyết cũng kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ ngăn chặn các loại phương tiện hạng nặng di chuyển trên mặt đập. Bởi đơn vị quản lý đã xây trụ bêtông và tổ chức ngăn chặn, nhưng đều bị 1 số đối tượng tới đập phá, đe dọa hành hung nhân viên quản lý. Các phương tiện vận tải chạy trên mặt đập trái quy định của pháp luật đã làm cho thân đập bị hưu hỏng nặng, gây mất an toàn nghiêm trọng cho hồ đập khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Trước tình trạng xâm hại công trình Hồ thủy lợi Próh, ngày 16/4/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ra văn bản số 529/SNN-TL về tăng cường quản lý, bảo vệ hành lang an toàn hồ chứa nước Próh.

Đáng chú ý, Sở đã phải đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương “Không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nằm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước Próh. Các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ đập trước thời điểm cắm mốc chỉ giới chỉ được sử dụng đất với mục đích trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, không được đào đất, san gạt…”

Ông Đỗ Phú Hòa bức xúc: “Nếu những vụ việc san đất lấn chiếm lòng hồ tiếp tục không bị xử lý nghiêm túc, cưỡng chế trả lại nguyên trạng; các hộ dân lấn chiếm đất trong hành lang bảo vệ hồ vẫn tiếp tục được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thì việc bảo vệ an toàn cho Hồ thủy lợi Próh sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bởi đơn vị quản lý hồ không có chức năng xử phạt, cưỡng chế, mà chỉ có thể phối hợp với chính quyền địa phương”.

Quốc Hùng - Nguyễn Dũng

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Dân đồ đất tràn lan lấn chiếm Hồ thủy lợi Próh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới