Lách luật trong cấp phép chế biến, xử lý rác thải
Xử lý rác thải và rác thải nguy hại đang trở thành vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với chính quyền các cấp, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của mỗi con người.
Sau khi được cấp phép, nhiều công ty đã thuê lại đơn vị khác đi xả thải trộm gây nguy hại cho môi trường. |
Đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế, các khu dân cư và hàng loạt khu công nghiệp đang được xây dựng khắp nơi trên cả nước, tỉ lệ thuận với số lượng khu công nghiệp, sẽ là số lượng các nhà máy chế biến và xử lý rác thải công nghiệp trong đó có rác thải nguy hại.
Từ những sự vụ mà cơ quan chức năng triệt phá, cho tới thời điểm này, còn quá nhiều điều cần phải xử lý đối với loại hình kinh doanh vốn được coi là khá “nhạy cảm” này. Đối với các đối tượng xử lý rác thải nguy hại mà chỉ đem đổ trộm, hầu hết chỉ có thể xử lý bằng cách phạt hành chính chưa có chế tài xử lý mang tính răn đe cần thiết với loại hình đối tượng này.
Thứ nữa, việc tiến hành quy trình cấp phép cho các nhà máy đang có nhiều khe hở, khiến cho các công ty dễ dàng “lách” qua các quy trình tưởng như chặt chẽ của luật bảo vệ môi trường.
Trao đổi với giám đốc của một nhà máy chế biến và xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại có cơ sở đóng tại Hưng Yên được biết, hầu hết các công ty xử lý rác thải không thể xử lý được hoàn toàn các loại rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, bởi mỗi loại hình rác thải này cần một phương án xử lý riêng. Đối với nước thải nguy hại, chỉ sử dụng một số loại vi sinh hiếu khí và một vài cách xử lý đơn giản khác, coi như không thể giải quyết nổi vấn đề. “Nếu căn cứ vào các quy định chặt chẽ của Tổng cục Môi trường, không một công ty nào đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động”, giám đốc này cho biết.
Thử tìm hiểu về quy trình cấp phép đối với một công ty ở Hưng Yên, chúng tôi thấy rằng, các mẫu phẩm để tiến hành xét nghiệm đối với công ty này đều do Tổng cục Môi trường ký hợp đồng thuê Viện Công nghệ Môi trường - khí hậu lấy mẫu. Để cấp phép cho công ty này, Viện Công nghệ Môi trường đã tiến hành lấy ba mẫu khí, một mẫu rắn và một mẫu nước thải về để tiến hành xét nghiệm. Vị trí và số lượng lấy mẫu đều do Tổng cục Môi trường chỉ định.
Ở mỗi công ty môi trường, loại hình rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại chưa bao giờ “khiêm tốn” ở mức chỉ có vài mẫu. Nếu như số lượng mẫu rác thải ít như thế để tiến hành chấp nhận cho một đơn vị hoạt động thì đương nhiên nó chỉ đạt chuẩn đối với một loại hình rác. Máy móc và công nghệ xử lý rác theo đó cũng chỉ xử lý được một loại rác nhất định chứ không thể xử lý tất cả các loại rác thải đa dạng và phức tạp. Tương tự, với cách xử lý nước thải nguy hại, không thể chỉ sử dụng một cách xử lý mà có thể làm sạch các loại nước thải khác nhau.
Một “khe hở” nữa thường được các công ty xử lý rác thải sử dụng nhằm đối phó với quá trình kiểm tra trước khi cấp phép của các cơ quan chức năng, hầu hết các công ty này đều “tuyển” rác thải đạt chất lượng để trong quá trình tiến hành xử lý thì các hoạt động của nhà máy đương nhiên đạt chuẩn. Nó giống như là đem rác đạt tiêu chuẩn, rác “sạch” đến để xử lý trình diễn cho cơ quan chức năng thấy. Đốt lên, đạt tất cả các quy định về xử lý khí thải.
Điều này, chủ yếu để qua mặt cơ quan chức năng với mục đích được chấp nhận và cấp giấy phép hoạt động. Còn sau đó, đương nhiên với lực lượng quá mỏng của thanh tra Tổng cục Môi trường, chắc chẳng mấy ai đến kiểm tra mẫu nước hoặc mẫu khí thải của mỗi công ty khi đã được hoạt động. Các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát Môi trường cũng sẽ gặp khó khi muốn kiểm tra hoạt động vi phạm kiểu này.
Như vậy, thay vì tìm cách kiểm soát các hoạt động sai phạm của mỗi công ty xử lý chế biến rác thải, việc siết chặt yêu cầu mỗi công ty xử lý rác thải, rác thải nguy hại phải đạt được các tiêu chí cần thiết trước khi được cấp phép hoạt động, có lẽ là điều cần làm trước tiên.
Mai Tâm