Thứ sáu, 22/11/2024 11:10 (GMT+7)
Thứ hai, 31/08/2020 06:00 (GMT+7)

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi phút toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỉ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Nhằm khắc phục thực trạng trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các chính sách phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời tái sử dụng loại phế liệu này.

Trên toàn cầu, theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang âm thầm tác động tiêu cực đến sự sống trên Trái đất, trở thành hiểm hoạ đối với môi trường.

Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới có thể phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và túi nilon, nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực đưa ra các chính sách phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Anh: Lượng túi nhựa dùng 1 lần giảm 95% nhờ chính sách thu phí

Kể từ ngày 5/10/2015, quy định về thu phí khi sử dụng túi nilon chính thức có hiệu lực tại Anh.

Sau 5 năm áp dụng việc thu phí sử dụng túi nilon, số liệu gần đây cho thấy lượng túi nhựa do người mua hàng sử dụng ở Anh tiếp tục giảm, chỉ riêng năm 2019 là 59% - kể từ khi nước này áp dụng chính sách tính phí 5 xu (khoảng 1.600 đồng) cho mỗi túi nhựa.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 1
Sau 5 năm thực hiện quy định thu phí bắt buộc, lượng tiêu thụ túi nilon tại Anh đã giảm tới 95% kể từ tháng 10/2015. (Ảnh minh họa)

Về tổng thể, lượng túi nhựa dùng một lần được tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị lớn ở Anh đã giảm hơn 95% so với cách đây 5 năm, khi chính sách đánh thuế được ban hành.

Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA), thống kê cho thấy trung bình mỗi người dân Anh hiện nay chỉ mua 4 túi nhựa trong một năm từ các nhà bán lẻ lớn. Con số này vào năm ngoái là 10 túi, còn năm 2014 là 140 túi.

Bộ trưởng George Eustice cho biết: "Thật đáng khích lệ khi thấy trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đã có sự khác biệt rất lớn trong việc giảm lượng nhựa chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày".

Philippines sản xuất khẩu trang làm từ cây chuối sợi giúp giảm rác thải nhựa

Loại sợi lấy từ cây chuối sợi (Abaca) ở Philippines có thể thay thế thành phần nhựa trong hàng triệu chiếc khẩu trang mà thế giới đang sản xuất để chống lại SARS-CoV-2.

Ông Kennedy Costales, Giám đốc Cơ quan phát triển công nghiệp sợi Philippines (PhilFIDA) thuộc Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, thông thường, sợi Abaca được dùng để sản xuất túi lọc trà và tiền giấy, có độ bền tương đương với polyester nhưng chỉ mất 2 tháng để phân hủy.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 2
Philippines làm khẩu trang từ cây chuối sợi giúp giảm rác thải nhựa.

Nghiên cứu sơ bộ của Bộ KH&CN Philippines cũng cho thấy, giấy Abaca có khả năng chống nước tốt hơn so với khẩu trang thương mại N-95, đồng thời kích thước các lỗ rỗng của nó hoàn toàn nằm trong phạm vi được khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ để lọc các hạt độc hại.

Theo ông Costales, nhu cầu sử dụng Abaca trong năm nay có thể tăng theo cấp số nhân, trong đó, 10% sản lượng được sử dụng cho mục đích y tế, so với chưa đến 1% hồi năm ngoái.

Singapore "nói không với rác thải nhựa"

Một cuộc khảo sát xã hội cũng đã được thực hiện tại Singapore với khoảng 1.750 người, theo đó 73% người Singapore nhất trí và sẵn sàng ủng hộ chương trình hạn chế rác thải nhựa.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 3
Một người mua hàng dùng túi tái sử dụng miễn phí tại siêu thị ở Singapore.

Cuối năm 2019, Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) cho biết, đơn vị này sẽ kéo dài thêm một năm việc thực hiện chương trình “nói không với túi nilon” tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại trên cả nước để hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường.

Số liệu do Cơ quan Môi trường Singapore (SEC) công bố năm 2018, cho thấy bình quân mỗi năm người dân nước này sử dụng khoảng 1,76 tỉ chiếc túi nilon các loại, trong đó gần một nửa (khoảng 820 triệu chiếc) có nguồn gốc từ các nhà hàng và siêu thị.

Kỳ diệu rác thải "sưởi ấm" đất nước Thuỵ Điển

Tại Thuỵ Điển, năng lượng được tạo ra từ rác thải chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung cấp điện; nhưng nguồn nhiệt năng từ việc đốt rác lại cung cấp phần lớn nhiệt năng cho gần 10 triệu cư dân đất nước này qua những mùa đông lạnh giá.

Theo Hiệp hội Tái chế và Quản lý Chất thải Thụy Điển, chưa đến 1% rác thải sinh hoạt ở quốc gia này được đưa đến các bãi chôn lấp. Khoảng 49% rác sinh hoạt được tái chế và khoảng 50% rác được đốt trong các nhà máy điện như trên. Nhiệt năng làm quay các tua-bin để tạo ra điện giống như các nhà máy điện thông thường đốt than hoặc khí.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 4
Thụy Điển dần tiến tới ngưỡng 0% rác thải sinh hoạt. (Ảnh: Sweden.se)

Cùng với sản xuất trong nước, Thụy Điển thậm chí còn nhập khẩu rác từ Na Uy và Anh mỗi năm để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện. Các quốc gia này trả tiền để Thụy Điển chấp nhận rác của họ do chi phí rẻ hơn so với việc chôn lấp.

Ước tính, năng lượng tạo ra từ rác tương đương với nhu cầu sưởi ấm của 1,25 triệu căn hộ và nhu cầu điện cho 680.000 ngôi nhà. 55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Thái Lan cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần

Từ đầu năm 2020, Thái Lan ban hành lệnh cấm các loại túi nilon dùng 1 lần tại các cửa hàng lớn. Đây là bước đi tiếp theo trong chiến dịch do chính phủ và các nhà bán lẻ nước này khởi xướng nhằm hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021, để giảm lượng rác thải đổ ra biển.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 5
Kể từ ngày 1/1/2020, Thái Lan ban hành lệnh cấm các loại túi nilon dùng 1 lần tại các cửa hàng lớn. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa cho biết, trước đây nước này từng đứng thứ 6 trên thế giới về lượng rác thải đổ ra biển. Tuy nhiên, trong 5 tháng vừa qua, nước này đã tụt xuống thứ 10 nhờ những nỗ lực như trên.

Trong năm 2019, Thái Lan đã giảm sử dụng 2 tỉ túi nilon, tương đương 5.800 tấn rác thải nhựa, bằng cách kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilon một cách tự nguyện trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Nhật Bản: Áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại

Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả, nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 6
Người dân Nhật Bản phân loại rác theo danh mục cụ thể. (Ảnh minh họa)

Thùng rác công cộng trên đường phố Nhật Bản thường bao gồm nhiều thùng đặt liền nhau, theo Tofugu. Người dân ở đất nước này không chỉ cần phân loại và làm sạch rác theo chỉ dẫn, mà còn phải đảm bảo đổ rác đúng ngày và để rác đúng màu túi. Nếu làm sai, rác sẽ bị trả về cho chủ nhà.

Đặc biệt, công nghệ đốt rác và tái chế rác thải cũng được quốc gia này chú trọng thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, 20,8% tổng lượng rác thải hàng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET).

Đan Mạch sản xuất điện từ rác thải

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch gần đây đã khánh thành nhà máy điện Copenhill (còn gọi là Amager Bakke). Nhà máy này đốt rác thải thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Trung bình mỗi năm Copenhill sẽ biến 450.000 tấn rác thải thành điện, cung cấp cho 30.000 hộ dân và sưởi ấm 72.000 căn nhà.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 7
Nhà máy năng lượng từ rác thải Copenhill trở thành một địa điểm nổi tiếng của thủ đô Đan Mạch. (Ảnh: The New York Times)

Dù Copenhill vẫn sản sinh CO2 từ việc đốt rác nhưng Copenhagen dự kiến lắp đặt một hệ thống để thu khí thải. Sau đó, Copenhagen còn xem xét cách lưu trữ CO2 hoặc tìm hướng sử dụng thương mại với loại khí này.

Thị trưởng Frank Jensen chia sẻ rằng, mục tiêu của Copenhagen là trở thành thành phố carbon trung tính đầu tiên của thế giới vào năm 2025.

Cứ mỗi phút trôi qua, toàn cầu tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Ðổi lại sự tiện dụng này là khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Chỉ mất 5 giây để sản xuất một chiếc túi nilon tiện lợi, sử dụng trong 5-10 phút, cũng mất chưa tới 5 giây để vứt bỏ. Thế nhưng túi nilon cần từ 400 năm đến 1.000 năm để phân huỷ. Nếu mức độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng nhanh như hiện nay, thì nhu cầu thị trường cần tới 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050. Và như vậy sẽ có hơn 13 tỉ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới