Chủ nhật, 24/11/2024 16:18 (GMT+7)
Thứ ba, 21/06/2022 08:00 (GMT+7)

Kỷ niệm về một bài báo may mắn không được đăng

Theo dõi KTMT trên

Tôi không phải nhà báo nhưng cũng tham gia viết một số bài báo, nhất là khi có thêm nhiều tờ báo, tạp chí điện tử. Thế nhưng, bài báo tôi nhớ hơn cả được tôi viết cách đây cỡ 40 năm gửi Báo Nhân dân và “may mắn” không được đăng.

Trước đây, khi chỉ có báo in phát hành với số lượng ít thì việc viết bài chủ yếu từ những phóng viên đã tốt ngành nghiệp báo chí, ngành văn học của các trường đại học. Họ là những nhà báo có quyền tác nghiệp chính thức, là lực lượng viết chính. Tất nhiên, bên cạnh họ còn những chính trị gia, các cộng tác viên có thể không phải nhà báo nhưng được mời viết một số chủ đề. Đối với báo viết thời kỳ kinh tế bao cấp trước đây, chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội được ưu tiên, ngay cả các bài viết về văn học, nghệ thuật, âm nhạc cũng chủ yếu phản ánh những chủ đề này. Chính vì vậy, chẳng bao giờ tôi nghĩ là mình có thể viết, đăng được một bài báo.

Kỷ niệm về một bài báo may mắn không được đăng - Ảnh 1

Đến khi báo điện tử phát triển mạnh, phá vỡ vị trí độc tôn trước đây của báo in tạo điều kiện cho nhiều người có thể viết và đăng được các bài báo trên nhiều tạp chí, trang báo đủ loại. Tôi cũng đã thử và đã có bài viết trên VietNamNet năm 2008 được liệt vào tốp 10 bài viết được nhiều người bình luận trong 2-3 tuần và mới đây tôi có bài dự thi và đạt giải ba trong cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2020” với bài “Giảm thiểu ô nhiễm không khí nhìn từ phương tiện cá nhân” dăng trên Báo Kinh tế và Đô thị. Hiện nay, tôi là Ủy viên chuyên trách của Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường nên cũng có nhiều bài viết đăng trên tạp chí này.

Trở lại sự kiện bài báo tôi viết cách đây cỡ 40 năm gửi Báo Nhân dân và “may mắn” không được đăng. Thật tình, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì lý do gì mình “dám” viết một bài và gửi đăng trên báo Nhân dân hẳn hoi. Tất nhiên bài báo này không được đăng nhưng luôn ám ảnh tôi cho đến ngày nay về lý do khiến tôi “liều mình” như vậy. Thời điểm viết bài vào khoảng năm 1980 - 1981 (lúc đó tôi 30 tuổi), khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng nhưng lại phải tiến hành cuộc chiến tranh giữ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, sau đó là giúp bạn đánh tan bọn diệt chủng ở Campuchia.

Về mặt kinh tế, Việt Nam bị Mỹ, Trung Quốc và các nước thân Mỹ (kể cả các nước Đông Nam Á) tiến hành cấm vận triệt để nên thương mại, trao đổi hàng hóa chỉ diễn ra chủ yếu với Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu và một số nước thân thiện khác (trong đó có Iraq). Về ngoại giao, chúng ta bị cô lập, bị Mỹ, Trung Quốc lên án, kéo cả Liên hợp quốc chống lại Việt Nam nên khó khăn chồng chất. Một khó khăn mà mọi người thời ấy còn nhớ và đã được nhắc lại trong nhiều chương trình truyền hình (Quán Thanh Xuân, Ký ức vui vẻ), đó là thiếu thốn về lương thực, thực phẩm.

Có thể nói đói, nghèo vây quanh mỗi người Việt Nam nhưng lúc đó họ đều hiểu rõ nguyên nhân do hệ quả của chiến tranh lâu dài chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, do cấm vận kinh tế, do cô lập ngoại giao của các thế lực nước ngoài gây ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý và văn nghệ sỹ, nhiều nhà hoạt động xã hội luôn tìm cách lý giải nguyên nhân nghèo đói và tìm cách cùng Nhà nước tháo gỡ. Câu hỏi luôn đặt ra cho họ là tại sao Việt Nam, một nước nông nghiệp có điều kiện tốt phát triển trồng trọt, có truyền thống trồng lúa nước lâu đời, có hai đồng bằng lớn (Bắc bộ, Nam bộ) mà không sản xuất được đủ lương thực cung cấp cho nhu cầu trong nước, vẫn phải xin viện trợ từ Liên Xô và các nước khác.

Kỷ niệm về một bài báo may mắn không được đăng - Ảnh 2

Một số cán bộ quản lý đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan như cơ chế hợp tác xã nông nghiệp lúc đó chưa giải phóng được các nguồn lực phát triển nông nghiệp và Đảng, Nhà nước đã tổng kết thực tiễn đưa ra cách khoán sản phẩm trong nông nghiêp (khoán 100 theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ban hành ngày 13/1/1981 và khoán 10 theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị tháng 4/1988). Mọi người có thể thấy rõ phần nào tác dụng của khoán sản phẩm trong bộ phim nổi tiếng “Bí thư tỉnh ủy”.

Một nguyên nhân khác cũng được các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, nhà báo… chỉ ra là sự bất cập trong lưu thông hàng hóa và giá cả trong phạm vi quốc gia theo kiểu “ngăn sông, cấm chợ”, nghĩa là chỉ Nhà nước mới được thu mua (theo giá định sẵn) và phân phối các sản phẩm kể cả lương thực, thực phẩm. Vì vậy có tình trạng lúa gạo ở Miền Tây Nam bộ dư thừa nhưng không đưa được về Thành phố Hồ Chí Minh bán cho dân (do ngành thương nghiệp không đủ kinh phí và phương tiện mua và vận chuyển). Nạn buôn lậu và tìm cách chuyên chở hàng hóa ngoài luồng tăng lên đáng kể, kéo theo lãng phí rất lớn.

Ngay ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nơi tôi công tác) cũng phái một xe tải chạy vào Nam bộ mua được vài tấn gạo phân phối cho cán bộ ăn Tết với giá phải chăng, nhưng giá thành thực sự của chúng thì rất cao vì vận chuyển xa bằng ô tô cả 2 chiều, tốn rất nhiều xăng dầu (kinh phí này được bao cấp). Sau này lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến đem hàng hóa (sản xuất ở Thành phố) xuống đổi (chứ không mua, bán) lấy lương thực ở nông thôn nên giải quyết được phần nào nạn thiếu lương thực.

Thời điểm viết báo, những nguyên nhân kể trên tôi có phần nào hình dung được nhưng mãi về sau mới thật sự nắm bắt và hiểu. Có một hiện thực luôn đập vào tâm trí tôi là “đói”, “thiếu” đến từ đâu khi đất nước đã thu về một mối. Và rồi, như có một cái gì đó dồn nén khiến tôi nảy ra một ý tưởng là muốn đạt chỉ tiêu sản xuất 21 triệu tấn lương thực trong kế hoạch Nhà nước 5 năm 1996 - 1980 phải có dự án, kế hoạch rõ ràng, khoa học do một vị tư lệnh ngành nông nghiệp trực tiếp thực hiện. Và bài báo của tôi viết, nêu ý tưởng lựa chọn vị tư lệnh này qua khâu “tuyển chọn” công khai, ai có kế hoạch tốt thì sẽ là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Bài báo viết tay được cho vào phong bì và chính tay tôi bỏ vào hòm thư của Báo Nhân dân ở 71 Hàng Trống. Sự việc sau đó đi vào quên lãng.

Thế rồi một lần đi nghỉ mát gần đây ở Tuần Châu, mấy ông già ngồi nói chuyện, vô tình tôi kể lại câu chuyện vui cho mọi người nghe. Không ngờ một ông bạn hỏi ngay tôi có bị rắc rối gì không, tôi trả lời không thấy gì. Ông ấy hỏi lại xem tôi có ghi tên và địa chỉ trong bài viết không, tôi trả lời là có ghi, ông ấy ngạc nhiên và nói tôi đã rất gặp may. Thấy tôi ngạc nhiên, ông bạn nói rõ là bài báo của tôi đi ngược lại đường lối của Đảng lúc đó mà không bị sao thì hơi lạ.

Một ông bạn khác cho rằng, có thể một ông biên tập viên nào đó của Báo Nhân dân khi nhận được bài viết của tôi đã đọc và thấy vô bổ nên đã vứt bỏ, đó là vận may của tôi. Tuy nhiên, một bạn khác cho rằng không có chuyện họ vứt bỏ bài báo mà cử người theo dõi tôi một thời gian và thấy tôi không có biểu hiện chống đối nên bỏ qua. Và, mọi người đều cho là tôi may mắn, bắt khao một chầu bia.

Quả là hú vía khi nghe các ông bạn phân tích về bài báo được viết trong tâm trạng “bức xúc, không bình thường” của mình trong lúc chưa có kiến thức gì nhiều về báo chí. Nghĩ lại, tôi có thể thật là “may mắn”.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ sinh năm 1950 tại Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam soạn thảo giáo trình môn Kinh tế Môi trường để đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam.

Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên chuyên trách Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Ủy viên chuyên trách Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm về một bài báo may mắn không được đăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới