Ngành nông nghiệp về đích đạt tăng trưởng 2,85%
Kết quả trên là của toàn ngành nông nghiệp năm 2021 được Bộ NN&PTNT công bố tại Hội nghị tổng kết sáng 29/12, trong đó cũng xác định năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đặt ra chỉ tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng và tổng giá trị xuất khẩu.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định, năm 2021, toàn ngành nông nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, những kết quả đạt được rất ấn tượng. Ông cho biết, ngành NN&PTNT đã triển khai nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều thách thức do tác động của COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Tiến khẳng định: “Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn ngành, xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu tiên lập kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD. Ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều vượt mục tiêu đề ra, cả về sản lượng và giá trị".
"Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp năm 2021 vẫn tăng khoảng 2,85-2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%, tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%".
Theo báo cáo tổng kết của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp đã có bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Riêng sản xuất rau màu đạt khoảng 1,12 triệu ha với sản lượng đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325.500 tấn so với năm 2020. Trong đó, các loại cây ăn quả có sản lượng và chất lượng nhiều lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng từ 5-19%.
Với ngành chăn nuôi có chuyển biến về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020, sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%, trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1%.
Ngành thủy sản đã đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn tăng 1,1%.
Ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã nâng thêm diện tích rừng trồng mới tập trung lên 278 nghìn ha và 120 triệu cây phân tán, thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, trong đó thị trường trong nước được mở rộng hơn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su).
Chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới. Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2021, thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 Liên hiệp HTX NN, 19.100 HTX NN; Thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp.
Mảng ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy trên cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng; đến hết năm 2021 phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP, tăng 1,66 lần so với năm 2020.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân khá, đạt 86,7%, hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.
Trong năm 2022, đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 49 tỷ USD
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đặt ra các chỉ tiêu cơ bản trong năm mới của ngành, gồm: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản lên 2,9-3,0% với tổng kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 49 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT hướng toàn ngành tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đưa ra ý kiến đóng góp để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự tán thành đối với báo cáo của Bộ NN&PTNT đồng thời đánh giá ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong đó tiêu biểu là đạt kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Mặt khác, theo ông Diên, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Bộ trưởng Diên lý giải về điều này, nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
“Để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngành nông nghiệp cần xác định rõ thị trường xuất khẩu, trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất”.
Nhằm hướng tới việc “khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam lên tầm quốc tế”, Bộ trưởng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững”.
Bộ trưởng Diên đề xuất: “Kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ NN&PTNT trong vấn đề quản lý đất đai và trao thêm quyền điều phối cho Bộ NN&PTNT trong những vấn đề liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản”.
Bùi Hằng (T/h)