Kon Tum: Buông lỏng trong công tác quản lý đất đai
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý đất đai tại Kon Tum tồn tài nhiều vi phạm như quy hoạch sử dụng đất chậm, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp kế hoạch sử dụng đất,..
Công chức được giao đất mang chuyển nhượng để kiếm lời?
Theo Thông báo Kết luận thanh tra số A919/TB-TTCP ngày 28/10/2022 về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, qụản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Thanh tra Chính Phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời kỳ 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019.
Cụ thể, tại TP Kon Tum và một số huyện xảy ra tình trạng giao đất không thông qua đấu giá. Giao đất (cho 85 trường hợp tại huyện Đắk Hà và 319 trường hợp tại huyện Ngọc Hồi; 43 trường hợp Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum không thuộc đối tượng tái định cư; 02 trường hợp giao đất trồng cây hàng năm tại huyện Kon Rẫy) không thông qua đấu giá, vi phạm Luật Đất đai; cho thuê đất công không tổ chức đấu giá hoặc có tổ chức đấu giá nhưng không đúng quy định; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp Kế hoạch sử dụng đất; tính không đúng tiền sử dụng đất (khi công nhận quyền sử dụng đất lần đầu hoặc chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý, thể hiện sự buông lỏng quản lý. Trong cổ phần hoá, còn chưa xử lý dứt điểm tồn tại liên quan đến việc thu hồi 3.245,6 m2 đất để cho Công ty TNHH Ngọc Thy thuê đất.
Điển hình, tại huyện Đắk Hà: Có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong một thời gian dài. Trong đó, có một số công chức thuộc huyện được giao diện tích lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu nên để đất hoang hóa hoặc chuyển nhượng đất để kiếm lời. Đoàn thanh tra tạm tính tiền sử dụng đất của 13/85 trường hợp thấy giá giao đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu là 885,86 triệu đồng.
Thành phố Kon Tum còn tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của tỉnh, phân lô theo hiện trạng dẫn đến diện tích các lô không đồng đều; giao đất cho 43 trường hợp (Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla) không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu là 3.515,19 triệu đồng.
Còn tại huyện Ngọc Hồi: UBND huyện giao đất cho các trường hợp (thuộc Công ty TNHH Một thành viên 732, Binh đoàn 15) không thông qua đấu giá (theo Quyết định số 1651/QĐ-UBND-KTN ngày 07/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum), với tổng diện tích đất ở 7,079 ha tại thôn 2 xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi là vi phạm Luật Đất đai 2013.
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý đất công Thanh tra Chính Phủ đã kết luận, kiểm tra 04 huyện (Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ngộc Hồi) nhận thấy, sau khi nhận bàn giao đất, địa phương tiếp tục quản lý theo hiện trạng nhưng chưa tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, vi phạm trình tự, thủ tục quản lý đất đai như: chậm chỉ đạo thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi, giao về địa phương quản lý...
Đối với đất công ích, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có 03/06 đơn vị có quỹ đất công ích (5%) vói tổng diện tích là 303,03 ha được cấp huyện giao cho các xã, phường quản lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy: Việc quản lý, sử dụng đất của cấp huyện chưa chặt chẽ, còn buông lỏng dẫn đến cấp xã (phường) quản lý, sử dụng đất chưa đúng; tại TP. Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Sa Thầy còn có vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, cho thuê đất không đấu giá, không có kế hoạch đấu giá đất; Lập hợp đồng có các điều khoản thiếu chặt chẽ, nhất là điều khoản quy định về nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc thu tiền chậm, khó thu hoặc không thu được tiền thuê đất, nhưng thiếu kiểm tra, giám sát. Đến thời điểm thanh tra một số cá nhân còn nợ tiền thuê đất là 345,6 triệu đồng.
Quản lý lỏng lẻo, tồn tại nhiều thiếu sót
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, trong đấu giá quyền sử dụng đất, UBND tỉnh Kon Tum không ban hành Quy chế đấu giá cụ thể gây khó khǎn trong việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Các cuộc đấu giá số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá rất thấp (chưa đến 5%), chủ yếu người trúng đấu giá chỉ trả cao hơn giá khởi điểm 01 bước giá, chưa phát huy được mục tiêu của đấu giá nhằm tăng thu theo hướng tiệm cận giá thị trường; còn để xảy ra vi phạm trong chậm nộp tiền trúng đấu giá, nhưng không huỷ kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc, không xử lý phạt chậm nộp (24 trường hợp tại Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đắk Bla). Một số tổ chức, cá nhân thường xuyên trúng đấu giá nhiều lô đất tại 10 dự án (464 trường họp), sau đó bán lại cho người có nhu cầu, nhưng kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có nguy cơ thất thu ngân sách 1.15 triệu đồng... vi phạm quy định tại Điều 40, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản năm 2016; Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tư pháp; khoản 2 Điều 117 Luật Đất đai 2013; điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định 65/2013/NĐ-CP.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực đô thị hầu hết là chậm thời hạn so với quy định, còn để xảy ra nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện; chuyển mục đích sử dụng đất chưa đảm bảo các trình tự thủ tục, hồ sơ không đầy đủ, phát sinh thêm thủ tục ngoài quy định, trên 90% hồ sơ giải quyết từ năm 2018 trở về trước giải quyết chậm so với quy định, một số hồ sơ quyết định sai thời hạn sử dụng đất (đất sản xuất kinh doanh nhưng cấp với thời hạn lâu dài), xác định không đúng tiền sử dụng đất gây thất thu ngân sách nhà nước hoặc tính thừa tiền sử dụng đất đã ảnh hưởng đến quyền lợi người dân..., có một số trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng thửa đất nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm các quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 45/2014/NÐ-CP ngày 15/5/2014,Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
Ngoài ra, còn có một số vi phạm trong cho thuê đất đối với hộ gia đình cá nhân như: cho thuê đất không thông qua đấu giá; ngựời dân thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích; cho thuê đất quy hoạch trồng cây lâu năm để xây dụng Trung tâm thương mại và cấp Giấy chứng nhận sai quy định. Trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, cơ quan chức năng chưa có biện pháp để thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ về ngân sách; còn buông lông quản lý, không yêu cầu đơn vị nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa với số tiền là 104,4 triệu đồng.
Trách nhiệm chính để xảy ra vi phạm, thiếu sót, tồn tại về công tác quản lý sử dụng đất đai nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan; Thủ trưởng các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Cục thuế, Tu pháp; UBND 10 huyện, thành phố (Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường, Trưởng phòng quản lý đô thị, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng); người xử lý, trình, ký văn bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Thanh Tùng