Kinh tế Việt Nam tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển châu Á... đều đánh giá tốt và dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế tháng 4 tiếp tục khởi sắc
Thông tin cho biết, diễn biến tháng 4 có những khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát tại các nước; nhiều thị trường lớn của Việt Nam giảm tốc độ tăng trưởng; giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, tiếp nối đà phát triển của quý I, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển châu Á... đều đánh giá tốt và dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam.
Theo bBáo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế vĩ mô tháng 4 tiếp tục duy trì ổn định. Một số sai phạm được kịp thời xử lý để thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Với thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 46 % dự toán, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Xuất khẩu 4 tháng tăng hơn 16%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo với giá trị cao hơn.
Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, tháng 4 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3%, cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch Covid-19.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.
Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 nghìn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%, tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.
Doanh nghiệp châu Âu nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam
Các doanh nghiệp châu Âu có những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới.
Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng, dựa theo kết quả mới nhất tại báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Trong quý đầu tiên của năm 2022, BCI đã tăng lên 73, là mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Các doanh nghiệp châu Âu có những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới. Hơn 2/3 (69%) số lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện, chỉ 5% cho rằng tình hình sẽ xấu đi.
Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.
"Sự phục hồi đang ở rất gần", "Bình thường mới, tương lai sáng lạn" là những từ khóa nổi bật trong báo cáo mới nhất về chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố.
Ở quý đầu tiên của năm nay, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đạt 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý 4/2021. Đây cũng là mức cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Bùi Hằng