Thứ sáu, 22/11/2024 19:58 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/10/2020 06:40 (GMT+7)

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững từ khu di sản Wadden

Theo dõi KTMT trên

Du lịch đem lại thịnh vượng cho cư dân trong vùng di sản, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia, giải quyết vấn đề việc làm.

Tuy nhiên, phát triển du lịch “nóng” và biến đổi khí hậu đang mang đến nhiều tác động tiêu cực cho các vùng di sản.

Trên thế giới hiện nay có hơn 1.100 vùng di sản được UNESCO công nhận, nằm rải rác ở 163 quốc gia. Hầu hết các vùng di sản là các điểm du lịch nổi tiếng, một số di sản là biểu tượng của cả một nền văn hóa, một quốc gia.

Nếu không có giải pháp phát triển bền vững, rất nhiều vùng di sản có thể bị phá hủy vĩnh viễn. Phương pháp quản lý và phát triển du lịch của khu di sản Wadden là kinh nghiệm quý để các khu di sản tham khảo.

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững từ khu di sản Wadden - Ảnh 1
Biển Wadden là hệ thống bãi triều không bị gián đoạn lớn nhất thế giới. (Ảnh: Wadden Heritage)

Thách thức từ các vùng di sản

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất hành tinh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và tạo việc làm cho người lao động. Theo báo cáo công bố hồi tháng 6/2020 của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch đóng góp tới 10,3% tổng GDP toàn cầu, tạo ra 330 triệu việc làm trong năm 2019. Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương, nơi du lịch tạo ra tới 182 triệu việc làm, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Văn hóa và di sản được xem là nguồn tài nguyên quan trọng để thúc đẩy kinh tế du lịch của các quốc gia. Các quốc gia thu hút nhiều khách du lịch trên thế giới cũng là các quốc gia có nhiều vùng di sản nhất hành tinh: Pháp có 45 vùng di sản, Tây Ban Nha có 48 vùng di sản, Mỹ có 24 vùng di sản, Trung Quốc có 55 vùng di sản và Italia có 55 vùng di sản.

Bảo tồn di sản đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bởi lịch sử và văn hóa là hai yếu tố hàng đầu để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, rất nhiều vùng di sản đang đối mặt với thách thức phát triển “nóng”, lượng khách du lịch quá đông khiến di sản bị tổn hại.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng góp phần thúc đẩy tình trạng tổn hại của các vùng di sản. Mực nước biển dâng, nền nhiệt độ tăng, thay đổi môi trường sinh thái, và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán xuất hiện dày đặc hơn khiến các di sản suy thoái nhanh hơn và có thể bị phá hủy vĩnh viễn.

Biến đổi khí hậu mang đến nhiều tác động tiêu cực đến các vùng di sản, khiến các vùng di sản dễ bị tổn thương và làm trầm trọng hóa các vấn đề đang gặp phải, bao gồm vấn đề ô nhiễm, xung đột tài nguyên, đô thị hóa, phân mảnh môi trường sống, mất di sản văn hóa phi vật thể, và các tác động khác của quản lý du lịch yếu kém. Hiểu rõ, giám sát và giải quyết các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách của các khu di sản.

Theo đánh giá của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), biến đổi khí hậu có thể trở thành mối đe dọa đối với giá trị phổ quát nổi bật (OUV), tính toàn vẹn và tính chân thực của các vùng di sản.

Bài học quản lý từ khu di sản Wadden

Khu di sản Wadden là một vùng biển trải dài từ Den Helder ở Tây Bắc Hà Lan đi qua các cửa sông lớn của Đức tới biên giới phía Bắc Esbjerg, Đan Mạch. Tổng chiều dài của biển là khoảng 500km trên khu vực có diện tích chừng 11.000 km2. Năm 2009, phần biển Wadden thuộc Đức và Hà Lan được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới, đến năm 2014 mở rộng thêm phần thuộc Đan Mạch.

Khu di sản Wadden nổi tiếng là đới gian triều (vùng đất bị ngập nước biển khi thủy triều lên) nguyên vẹn rộng nhất thế giới với địa chất và hệ sinh thái không bị xáo trộn trong toàn bộ khu vực. Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao và là một khu vực quan trọng cho các loài chim sinh sản và di trú. Biển Wadden là một địa danh du lịch nổi tiếng trên thế giới với trải nghiệm đi bộ trên các thềm bùn ven biển khi nước triều rút. Mỗi năm biển Wadden đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch. Du lịch là nguồn thu chính và tạo ra phần lớn việc làm cho cư dân trong vùng.

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững từ khu di sản Wadden - Ảnh 2

Từ năm 2014, Hội đồng quản lý khu di sản Wadden đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm: Điều tiết hoạt động du lịch và bảo tồn thiên nhiên; quản lý thương hiệu; quản lý phương tiện vận tải, dịch vụ lưu trú và ẩm thực; Giáo dục bảo vệ môi trường; và nâng cao chất lượng điểm đến bằng nâng cao năng lực và nhận thức của những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Hoạt động du lịch diễn ra song hành với bảo tồn thiên nhiên tại Wadden một cách hiệu quả nhờ cách chính sách dài hạn, và các chương trình quản lý và bảo vệ toàn diện của chính phủ các nước trong khu vực. Điển hình như Chiến lược quy hoạch du lịch khu vực ven biển Esbjerg, Đan Mạch 2014-2018 đưa ra nhiều chính sách cứng rắn để bảo vệ di sản như: không xây dựng các bến du thuyền mới ở cảnh quan ven biển ngoài trời; không xây dựng mới các khu lưu trú, nghỉ dưỡng ở vùng ven biển; các cơ sở giải trí và lưu trú chỉ được xây mới ở các khu vực dân cư hoặc các vùng được quy hoạch.

Với cam kết bảo tồn thiên nhiên trong các hoạt động du lịch, các tổ chức du lịch xây dựng hệ thống thông tin và hướng dẫn khách du lịch thực hành các biện pháp giảm tác động đến hệ sinh thái trong quá trình thăm quan, khám phá.

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững từ khu di sản Wadden - Ảnh 3

Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường bằng du lịch khám phá không tác động đến cảnh quan tại Wadden (Ảnh: UNESCO)

Danh hiệu “khu di sản được UNESCO công nhận” được các đơn vị du lịch ở cả 3 quốc gia Hà Lan, Đức, Đan Mạch sử dụng để quảng bá. Các hoạt động tiếp thị diễn ra mạnh mẽ nhưng mang tính cục bộ nhằm thu hút khách du lịch đến các điểm cụ thể trong vùng di sản. Hoạt động tiếp thị cho toàn bộ vùng biển Wadden như một điểm đến di sản thế giới gần như không có.

Để giải quyết tình trạng này, các đơn vị lữ hành ở hai nước Hà Lan và Đức đã kết hợp lại cùng quảng bá cho thương hiệu biển Wedden. Họ cho ra đời một logo chung, một biển hiệu chung, một website chính thức về di sản Wadden và bộ nhận diện thương hiệu Wadden sử dụng chung trong toàn bộ khu di sản. Điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp nâng cao vị thế của một vùng di sản liên quốc gia và nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong việc hợp tác để cùng bảo tồn khu di sản. Thương hiệu biển Wadden thống nhất chính là điểm khởi đầu để xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng trên toàn bộ vùng di sản.

Về vận tải, Wadden thực hiện giảm lượng khí thải CO2 bằng cách phát triển phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân. Trước đây, phương tiện di chuyển chủ yếu trong vùng di sản là xe cá nhân. Sau khi đầu tư phát triển phương tiện công cộng với thông tin các điểm đến rõ ràng và dễ tiếp cận, một số đảo thuộc khu di sản bắt đầu cấm sử dụng xe cá nhân.

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững từ khu di sản Wadden - Ảnh 4

Đi bộ trên bãi triều là “đặc sản” của du lịch Wadden (Ảnh: Green Destination).

Loại hình giao thông công cộng phổ biến ở Wadden gồm xe bus và tàu. Hệ thống xe bus nổi tiếng nhất của khu di sản là Urlauberbus ở Lower Saxony, Đức. Bắt đầu vận hành từ năm 2012, giá vé của xe bus đến nay vẫn là 1 Euro/lượt.

Ngoài ra, Wadden còn liên kết hệ thống giao thông hiện có với cơ sở hạ tầng, bao gồm thiết bị di động, các trang thiết bị phục vụ cho đạp xe, đi bộ đường dài, chèo thuyền. Điều này cho phép khách du lịch di chuyển dọc bờ biển Wadden mà không gặp trở ngại, bao gồm cả di chuyển xuyên biên giới từ Hà Lan, qua Đức, sang Đan Mạch. Dịch vụ ăn uống và lưu trú cũng được phát triển theo hướng xây dựng Wadden là điểm du lịch trung tính carbon, giảm tiêu thụ năng lượng và nước sạch.

Nhận thấy khách du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn và giữ gìn khu di sản, Wadden đầu tư nguồn lực làm công tác tuyên truyền bảo vệ cảnh quan, môi trường rất bài bản. Với hơn 50 quầy thông tin và trung tâm tiếp đón khách thăm quan, khách du lịch dễ dàng nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn chi tiết cách thực hành du lịch thân thiện với môi trường.

Để định vị biển Wadden trở thành điểm đến chất lượng cao, Wadden kêu gọi sự chung tay của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, những người hoạt động trong ngành du lịch. Đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành du lịch bền vững và nhận thức về bảo tồn khu di sản cho những người làm du lịch được coi là nhiệm vụ trọng tâm để nâng tầm hình ảnh của biển Wadden.

Các hoạt động hợp tác được xúc tiến mạnh mẽ với mục đích liên kết cùng hoạt động và phát triển vì một Wadden thịnh vượng. Điển hình như Hiệp hội vườn quốc gia Đức đã liên kết các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, các tổ chức du lịch, trung tâm thông tin, hướng dẫn viên và các nhà cung cấp dịch vụ vận tải với nhau. Họ thống nhất các tiêu chí bảo vệ môi trường, đưa ra cam kết cùng đạt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu phát thải trong kinh doanh.

Bảo vệ biển Wadden còn được đưa vào giáo dục trong nhà trường và sinh hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức và hành động của người dân ở cả ba nước Hà Lan, Đức, Đan Mạch. Có thể kể đến chương trình “The Five” giáo dục bảo vệ môi trường qua du lịch khám phá không tác động đến cảnh quan. “The Five” bao gồm chuỗi hoạt động: “Small Five” (khám phá 5 loại sinh vật đáy phổ biến nhất), “Flying Five” (khám phá các loài chim phổ biến), “Big Five” (khám phá động vật biển có vú, cá tầm và đại bàng). Chương trình “The Five” còn cho ra đời 2 bộ sách cho trẻ em: “Moving Five” (giới thiệu về các cấu trúc động như đụn cát, bãi triều) và “Flowering Five” (giới thiệu về các loài thực vật phổ biến ở khu di sản, bao gồm thực vật đụn cát và các đầm lầy muối).

Kim Minh

Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững từ khu di sản Wadden. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới