Thứ tư, 04/12/2024 10:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/07/2024 11:52 (GMT+7)

Kinh doanh bất động sản nhưng không lập doanh nghiệp có thể bị phạt tới 160 triệu đồng

Theo dõi KTMT trên

Trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có đề xuất quy định xử phạt từ 120 - 160 triệu đồng với những trường hợp kinh doanh bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Trong đó, tại điều 60 trong dự thảo, đề xuất quy định phạt tiền từ 120 - 160 triệu đồng đối với việc kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định. Mức xử phạt hiện hành cho lỗi vi phạm này đang tối đa là 120 triệu đồng.

Ngoài ra, mức phạt này cũng áp dụng cho các trường hợp: sàn giao dịch bất động sản ký hợp đồng với môi giới viên không đủ điều kiện, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc không có cá nhân có chứng chỉ môi giới, sàn giao dịch niêm yết thông tin sai lệch và sàn hoạt động không có giấy phép.

Kinh doanh bất động sản nhưng không lập doanh nghiệp có thể bị phạt tới 160 triệu đồng - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh các quy định trên, Bộ cũng đề xuất xử phạt nhiều trường hợp khác đối với chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng bất động sản…

Các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc đang được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là khi các tiêu chí xác định đơn vị quy mô nhỏ vẫn chưa được công bố chính thức.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2024 cũng đưa ra tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ với tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng và số lần bán, chuyển nhượng không quá 10 lần mỗi năm.

Theo cơ quan soạn thảo, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có tính đặc thù nên trần doanh thu 300 tỷ đồng “phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho kinh doanh địa ốc phát triển”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này chưa có căn cứ pháp luật và không phản ánh đúng thực tế. Họ đề xuất giới hạn doanh thu dưới 100 tỷ đồng và chuyển nhượng tối đa 10 lần mỗi năm.

Theo Nghị định 39/2018 doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 100 tỷ đồng, tối đa 50 lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Còn tổng doanh thu của doanh nghiệp vừa tối đa 300 tỷ đồng một năm.

Theo chuyên gia, kinh doanh bất động sản thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nên quy định tổng doanh thu trong năm là 300 tỷ đồng sẽ tạo ngoại lệ, thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng quy định mới có thể gây thất thu ngân sách, vì nhà nước đang khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Nếu cá nhân kinh doanh bất động sản với doanh thu dưới 300 tỷ đồng, mức nộp ngân sách là 2% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, nếu thành lập doanh nghiệp, số thu ngân sách sẽ cao hơn, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh bất động sản nhưng không lập doanh nghiệp có thể bị phạt tới 160 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới