Thứ sáu, 29/03/2024 12:36 (GMT+7)
Chủ nhật, 30/05/2021 06:40 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 5 tháng tăng 30,7%

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Thống kê cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/5, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỉ USD, tăng 16,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỉ USD, tăng 36,3%.

Riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỉ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 5 tháng tăng 30,7% - Ảnh 1
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty Cổ phần may Hưng Việt, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 70,7 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỉ USD, tăng 33%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỉ USD, tăng 13,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỉ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỉ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỉ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỉ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỉ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỉ USD, tăng 7,7%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 5/2021, ước đạt 28 tỉ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỉ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỉ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỉ USD, tăng 39,9%. Trong 5 tháng có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 123,15 tỉ USD, tăng 36,8%; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỉ USD, tăng 33%. Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỉ USD, tăng 40,5%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,16 tỉ USD, tăng 29,5%.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỉ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp p theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỉ USD, tăng 20,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,1 tỉ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỉ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỉ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỉ USD, tăng 6,8%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2021, cả nước ước tính nhập siêu 2 tỉ USD. Như vậy, 5 tháng đầu năm , cả nước ước tính nhập siêu 369 triệu USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỉ USD.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19.

Đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.

Nông, lâm thủy sản xuất siêu 3,27 tỉ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản ước 22,83 tỉ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 19,57 tỉ USD, tăng 51%.

Giá trị xuất siêu nông, lâm thủy sản đạt khoảng 3,27 tỉ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 5 tháng tăng 30,7% - Ảnh 2
Xe đưa lô hàng tôm đầu tiên năm 2021 đi xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,01 tỉ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,3% so với tháng 4/2021; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỉ USD, lâm sản chính 1,52 tỉ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD…

Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy, sản ước đạt 22,83 tỉ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng/2020. Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỉ USD, tăng 13%. Lâm sản chính đạt 7,06 tỉ USD, tăng 61,8%. Thủy sản đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%. Chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cao su, chè, gạo, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…

Đặc biệt, nhiều sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu như: cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm giảm 15,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 25,2%, đạt 387 triệu USD.

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, gỗ, mây, tre, cói thảm…Tuy nhiên, có 2 mặt hàng chính lại giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gồm cà phê và gạo.

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 46,5% thị phần, châu Mỹ 27%, châu Âu 10,1%, châu Đại Dương 1,3% và châu Phi 1,7%. Trong số đó, có 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khá trong xuất khẩu và chiếm thị phần lần lượt là 24,6%, 22,6%, 6,6% và 4,9%.

Về nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản ước khoảng 19,57 tỉ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,04 tỉ USD, tăng 126,9%.

Nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,52 tỉ USD, tăng 23,2%. Nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%. Nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỉ USD, tăng 42,3%. Nhóm sản phẩm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỉ USD, tăng 36,5%.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ chuẩn bị tổ chức các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Bộ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Israel, Nauy, New Zealand, Nga, Hungary, Cu Ba...

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật (SPS) mới của Việt Nam đã thông báo với WTO.

Đồng thời, xây dựng đề án Nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do.

Với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Cùng với đó, chủ động phối hợp, hỗ trợ các các địa phương, ngành hàng triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.

(TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 5 tháng tăng 30,7%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.