Thứ sáu, 22/11/2024 23:54 (GMT+7)
Thứ hai, 22/03/2021 11:46 (GMT+7)

Kiểm soát thiệt hại kinh tế do thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kiểm soát thiệt hại kinh tế do thiên tai - Ảnh 1
Lớp đất đá dày đặc còn lại sau trận lũ quyét cô lập hoàn toàn xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tháng 10/2020. (Ảnh: TTXVN)

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% GDP.

Tổ chức, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.

Phấn đấu đạt 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "4 tại chỗ".

Để đạt mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hiện Chiến lược là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai.

Vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán. Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ chủ động phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại.

Vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển.

Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tập trung phòng, chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão. Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững. Các đô thị lớn cần tập trung phòng chống ngập úng do mưa lớn và triều cường; trên biển và hải đảo, chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát thiệt hại kinh tế do thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới