Kiểm lâm Hà Tĩnh ngăn chặn nạn đánh bắt chim trời
Hằng năm vào thời điểm này, đàn chim trời di cư về địa bàn Hà Tĩnh rất nhiều. Đây cũng là thời điểm người dân địa phương tìm cách để đánh bắt. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng Hà Tĩnh đang ráo riết vào cuộc ngăn chặn tệ nạn này.
Hằng năm vào mùa mưa bão, số lượng đàn chim di cư tránh bão vào các huyện Lộc Hà và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) rất lớn. Người dân các xã ven biển thường dùng các công cụ thô sơ như lưới, bẫy keo để đánh bắt các loài chim di trú. Tình trạng đánh bắt tràn lan khiến số lượng chim trời bị tiêu diệt rất lớn. Đi dọc các tuyến đường đường liên xã ven biển, chim trời còn sống, có loại đã sơ chế bày bán rất nhiều. Thậm chí, chim trời cũng len lỏi vào nhiều nhà hàng, quán nhậu ở các địa phương này.
Tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, việc đánh bắt chim di trú về tránh bão hàng năm trở thành một nghề mưu sinh của người dân nơi đây. Từ bao đời nay, người dân địa phương này đã có “truyền thống” đánh bắt chim di cư, bắt đầu từ tháng 8 (âm lịch) năm nay đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Qua bao thế hệ, nhiều gia đình nơi đây luôn xem đánh bắt chim trời là nghề mưu sinh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân bỏ việc đánh bắt chim trời. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an, dân quân cũng rất quyết liệt trong việc ngăn chặn nên tình trạng bẫy bắt chim trời giảm mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết, từ tháng 7 trở lại đây, chính quyền xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xóa bỏ các điểm bẫy, tiêu hủy mồi giả, gỡ thả chim mồi, kiểm tra việc buôn bán chim trời tại chợ. Tính đến thời điểm này, các điểm bẫy chim trên địa bàn xã đã giảm khoảng 90% so với các năm trước. Những điểm quy mô lớn đã xóa bỏ hết, chỉ còn một số hộ có dấu hiệu hoạt động lén lút, quy mô nhỏ. Để bảo vệ các đàn chim trong mùa mưa bão, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý hiệu quả.
Không chỉ ở xã Thịnh Lộc, các địa phương tại huyện Lộc Hà vài năm gần đây đều đang chung tay hành động vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho các đàn chim. Vì vậy, số lượng người đánh bắt chim trời đã giảm hẳn. Ông Nguyễn Xuân Mận - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà cho biết, tính từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng ra quân 7 lần đi tuyên truyền hằng ngày; tiêu hủy 170 cò xốp (chim mồi giả), 1.330 que nhạ (que bẫy bằng keo), 26 con chim (đã chết), phá 10 lùm đơm, thả về tự nhiên 4 con còn sống.
Nhiều năm về trước, huyện Nghi Xuân được coi là “tử địa” của chim trời. Cánh đồng gần 100 ha của thôn Song Nam, xã Cương Gián với vô vàn “thiên la địa võng” được giăng mắc khiến cho chim trời khó lọt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng đánh bắt chim di trú đã giảm hẳn nếu không nói là vắng bóng chim mồi, lùm đơm, lán nấp. Đây được xem là kết quả từ việc vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt chim di trú tràn lan.
Ông Trần Thanh Tường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho biết, khoảng 2 tháng nay, các lực lượng chức năng tại huyện này triển khai công tác ngăn chặn tình trạng bẫy bắt chim di trú. Trong các đợt kiểm tra đã phá bỏ 10 lùm trú, tiêu hủy 200 mồi giả, 5.000 que nhạ. Nhờ việc tuyên truyền, vận động của chính quyền và lực lượng chức năng nên việc người dân làm bẫy săn bắt chim trời đã giảm mạnh.
Không chỉ ở huyện Lộc Hà, Nghi Xuân mà ở tất cả các xã ven biển nằm ở đầu luồng chim di cư từ biển vào đất liền thuộc các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh... đều tập trung vào cuộc.
Tại các cánh rừng bao quanh vùng lòng hồ lớn, có lượng chim di cư trú ngụ đông như: Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Kẻ Gỗ, Sông Trí..., công tác bảo vệ đàn chim cũng được chủ rừng và các lực lượng chức năng hết sức quan tâm. Mùa chim di cư tránh mưa bão đang đến gần, hoạt động, biện pháp bảo vệ các đàn cò, cói, vạc, chèo bẻo, vàng anh, hoét, dạt... đang được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp gấp rút triển khai, ngăn chặn.
Phan Quý