Thứ tư, 24/04/2024 02:20 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/03/2020 10:00 (GMT+7)

Không khí ô nhiễm: Chuyên gia chỉ cách bảo vệ hệ hô hấp

Theo dõi KTMT trên

Hít thở là hoạt động sống còn có ý nghĩa quyết định duy trì sự sống của con người. Ngày nay, ô nhiễm không khí cùng với biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề hết sức cấp bách và đáng báo động trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Điều này khiến con người phải gánh chịu một loạt ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):

- 4,2 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với ô nhiễm không khí;

- 3,8 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với khói bếp và nhiên liệu bẩn;

- 91% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí vượt quá giới hạn cho phép của WHO.

Bụi mịn – “Sát thủ” với sức khỏe

Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa, đô thị hóa và mặt trái của phát triển kinh tế làm cho tình hình ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh và trở thành mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Khi môi trường tự nhiên không lành mạnh, không khí bị ô nhiễm thì sẽ dẫn đến bệnh tật.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương; Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tai mũi họng là “cửa ngõ” đầu tiên của đường thở và sẽ chịu gánh nặng đầu tiên nếu không khí bị ô nhiễm. Cấu trúc của đường thở có lớp niêm mạc với tác dụng làm ấm, làm ẩm và có tác dụng lọc không khí giúp không khí vào phổi sẽ trong lành hơn, quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên nếu không khí bị ô nhiễm thì luồng không khí ô nhiễm đi sâu vào trong cơ thể, vào phổi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Theo ông, trong các thành phần gây ô nhiễm không khí, bụi mịn là yếu tố quan trọng nhất đối với chất lượng không khí. Khi chúng ta hít thở thì niêm mạc có nhiệm vụ ngăn cản bớt những tác nhân từ bên ngoài vào, song bụi mịn có đường kính rất nhỏ, chúng sẽ lọt vào đường thở, vào phế nang và vào trong máu. Cơ thể không đào thải được bụi mịn, bụi mịn sẽ đi sâu vào các tế bào.

Theo nghiên cứu, bụi mụn có thể thay đổi được cấu trúc của tế bào và gây ra một loạt các dấu hiệu bệnh lý trong đó có bệnh lý tim mạch và ung thư.... Bụi mịn tích lũy từng ngày, từng ngày không có các biểu hiện triệu chứng và khi đến một thời gian nhất định mới phát tác ra bệnh.

Không khí ô nhiễm: Chuyên gia chỉ cách bảo vệ hệ hô hấp - Ảnh 1
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, bụi mịn là vấn đề đáng lo ngại. Bụi mịn không giống như bụi khác vì nó siêu nhỏ nên mắt thường không nhìn thấy nhưng thành phần này bay lơ lửng và khi ta hít thở vào theo thời gian tích lũy gây ra bệnh lý mạn tính, như hen phế quản, dị ứng hô hấp, tim mạch, ung thư gây đến gánh nặng về kinh tế...

Coi chừng "bệnh lai rai…"

Ngày nay, các bệnh lý về tai mũi họng khá phổ biến do chúng là nơi tiếp xúc đầu tiên và thường xuyên với môi trường, nếu môi trường không an toàn sẽ dẫn đến viêm nhiễm.

Chuyên gia tai mũi họng cho biết, tình trạng viêm nhiễm thông thường thì chỉ cần điều trị kháng sinh 5-7 ngày là bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, với viêm mũi xoang điều trị 5-7 ngày chỉ đỡ triệu chứng và nên điều trị dài ngày đến 10–12 ngày mới khỏi, có bệnh nhân phải kéo dài hơn. Do đó, người dân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh cứ lai rai không khỏi, bệnh dễ tái phát, kháng thuốc dễ xảy ra”- PGS. Cảnh nói.

Ở trẻ nhỏ, PGS. Thúy cho biết, do trẻ nhỏ non yếu, chưa thích nghi với môi trường xung quanh nên trẻ em dễ mắc bệnh lý hô hấp và khi mắc dễ bị nặng và có nguy cơ biến chứng rất cao.

"Bệnh lý hô hấp là bệnh lý chính ở trẻ em, nếu 1 ngày khám cho 100 trẻ em thì có đến 70-80% trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp và chủ yếu là nguyên nhân của môi trường. Và khi trẻ đến 10-12 tuổi hệ hô hấp hoàn thiện và sức đề kháng của trẻ tăng thì bệnh hô hấp sẽ giảm hơn so với trẻ nhỏ.

Tính trung bình ở trẻ em Việt Nam 1 năm với trẻ 1 tuổi thì có 4-6 đợt viêm đường hô hấp trên, viêm tai, viêm mũi và viêm đường hô hấp dưới là viêm phổi, viêm phế quản. Đây là tần suất cao. Trẻ dễ bị nhiễm trùng tái phát, dễ lây virus, vi khuẩn, các dị nguyên, bụi mịn… Đối tượng trẻ em rất nhạy cảm và đặc biệt trong 5 năm đầu đời" - chuyên gia Nhi khoa cho hay.

Không khí ô nhiễm: Chuyên gia chỉ cách bảo vệ hệ hô hấp - Ảnh 2
PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy.

Cách bảo vệ hệ hô hấp luôn khỏe mạnh

Để giữ hệ hô hấp luôn khỏe mạnh, PGS. Cảnh cho rằng, việc chống ô nhiễm là vấn đề của toàn xã hội cùng với ý thức của mọi người, ngành y tế chỉ giải quyết hậu quả của việc ô nhiễm. Muốn giảm việc mắc bệnh thì việc phải phòng bệnh, khi đó thì mỗi người phải tuân thủ ý thức về việc tự dùng thuốc, ý thức về rác thải, giữ vệ sinh môi trường sống... Còn về xã hội cần có chế tài hợp lý, có tính răn đe, ô tô, xe máy tham gia giao thông hạn chế làm sao.... Điều này đòi hỏi rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc.

Còn đối với chuyên khoa tai mũi họng, việc phòng bệnh là cần mang khẩu trang khi tham gia giao thông, sau mỗi ngày cần rửa mũi bằng nước muối. Song cũng lưu ý là nước muối chỉ rửa được bụi thường, bụi mịn không có tác dụng.

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có giải pháp gì để loại bỏ được bụi mịn khỏi cơ thể. Vấn đề giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng cũng hết sức quan trọng.

Chúng ta cần làm sạch môi trường, trong gia đình có thể sử dụng một số phương tiện để lọc không khí và nó chỉ khu trú trong gia đình, nhà phải đủ kín thì mới có tác dụng lọc không khí được.

Ngoài ra, PGS. Thúy cũng lên tiếng cảnh báo về vấn đề lạm dụng thuốc, coi đây là vấn đề cực kỳ đáng báo động khi cha mẹ tự mua thuốc về điều trị cho con mắc bệnh lý hô hấp. Có trường hợp trẻ viêm phổi, viêm xoang nặng dùng thuốc mãi không khỏi, thậm chí có trẻ chưa dùng kháng sinh bao giờ cũng bị kháng thuốc vì chủng vi khuẩn đã ra cộng đồng kháng kháng sinh. Do đó cha mẹ cần hết sức lưu ý, tránh để lại hậu quả đáng tiếc cho con.

Cha mẹ cần cho trẻ đi thăm khám kịp thời khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Dương Hải

Bạn đang đọc bài viết Không khí ô nhiễm: Chuyên gia chỉ cách bảo vệ hệ hô hấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.