Không đợi nước đến chân mới nhảy
3/4 thời gian của năm 2020 đã trôi qua, nước ta chứng kiến nhiều thảm họa tự nhiên khốc liệt. Khô khát, hạn mặn, lũ lụt… các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có điểm chung là hậu quả tàn khốc, không thể lường trước về quy mô và mức độ. Dù đã được dự báo trước, song dường như chúng ta vẫn “ngỡ ngàng” trước những tổn thất phải gánh chịu.
Dải đất miền Trung vốn được biết đến là vùng quanh năm đất cằn sỏi đá, liên tiếp gánh chịu thiên tai - lũ lụt, hạn hán thay nhau kéo đến. Sự cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây dường như chưa thể chống lại và chiến thắng được sức tàn phá của thiên tai. Năm nào cũng vậy, cứ mùa bão về, nơi đây lại khắc khoải cầu mong trời nhẹ bớt mưa, gió bớt mạnh, đường bớt ngập và con sông bớt đầy… để nỗi đau, nỗi mất mát bớt tang thương.
Thiên tai liên tiếp, triền miên năm này qua năm khác là yếu tố cản trở không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này “cái khó bó cái khôn”. Cũng vì kinh tế khó khăn mà nhiều gia đình chưa làm được nhà kiên cố, chưa có nhiều nhà mái bê tông, nhà tầng cho nên mỗi khi lũ lớn dồn về nhiều nhà bị đổ, trôi, sập, mất hết tài sản, lương thực. Hàng chục nghìn gia đình bị thiệt hại nặng nề sau lũ ở vào hoàn cảnh khó khăn, cơ cực. Hàng trăm gia đình phải chịu cảnh đau thương, tang tóc do lũ lụt đã cướp đi sinh mạng người thân.
Ảnh minh họa. |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nay đến cuối năm, ENSO đang chuyển dần sang trạng thái La Nina, nhận định bắt đầu từ khoảng cuối tháng 9 sang tháng 10, 11 mưa lớn sẽ tập trung ở khu vực Trung Bộ. Do đó, nguy cơ rất cao xuất hiện lũ lớn và lũ đặc biệt lớn ở khu vực này từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12 năm nay. Vậy làm sao để miền Trung không còn tang thương vì bão lũ?
Mọi thiên tai diễn ra trên Trái đất này là điều bất khả kháng. Nhiều khi mức độ của thiên tai vượt quá sức chống đỡ của con người. Nhưng một thực tế là chúng ta vẫn phải chống chọi, thích nghi để phát triển. Xét tổng thể trong kế hoạch chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực miền Trung gồm rất nhiều giải pháp đồng bộ và mức đầu tư lớn. Tuy vậy, cần xác định rõ những giải pháp cấp bách để nhanh chóng giảm thiệt hại về người và tài sản ngay từ mùa mưa, bão, lũ sắp tới và những năm tiếp theo.
Và hơn hết, phải coi ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt gây ra ở khu vực này là việc làm thường xuyên, lâu dài và ngày càng khó khăn, tốn kém trước những biến đổi xấu về thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng nếu có chủ trương đúng, giải pháp và bước đi phù hợp, mỗi người dân trong cộng đồng có ý thức chủ động phòng, tránh, tự bảo vệ, chắc chắn sẽ giảm được nhiều thiệt hại, trước hết là thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Thực tế, mức độ rủi ro của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà cả nhận thức, năng lực và nỗ lực của chính quốc gia đó trong việc giảm thiểu và thích ứng với thiên tai. Khi thiên nhiên nổi giận sẽ không phân biệt nông thôn hay thành thị, dân thường hay quan chức, người giàu hay người nghèo.
Chỉ có chúng ta thể hiện trước thiên nhiên một chính quyền có trách nhiệm, một xã hội có tổ chức và mỗi cá nhân có ý thức về một thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể vượt qua thách thức bằng niềm tin rằng chúng ta sẽ thất bại. Và những gì miền Trung đã và đang gánh chịu có thể là tương lai của những vùng đất khác nếu chúng ta không hành động từ hôm nay.
Đừng đợi nước đến chân mới nhảy! Ngay từ bây giờ, phải thường trực ý thức ứng phó với thiên tai, nhất là với những cơn bão cuối năm.
Phương Anh