Khởi nghiệp không ngại thất bại
Khởi nghiệp thành công là phải đổi mới sáng tạo, dù thất bại thì cũng không ngại làm lại và phải luôn có khát khao đưa sản phẩm ra toàn cầu.
Làm thế nào đạt được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đứng trong Danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình cao? Khát vọng để Việt Nam phải là một nước có thu nhập cao vào năm 2045 đang đòi hỏi toàn xã hội, trong đó có các bạn trẻ phải phấn đấu không ngừng ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường.
Theo tỉ phú Alex Schulzte - Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Thế giới WIF, tỉ lệ khởi nghiệp thất bại ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng khá cao, thường ở mức 80% đến 90%. Vì thế, nếu đã có khát khao khởi nghiệp, thì bất cứ startup nào cũng cần không ngừng học tập, tham khảo kinh nghiệm thành công và thất bại từ những người đã khởi nghiệp.
Ông Alex Schulzte khẳng định, điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp là phải luôn suy nghĩ bây giờ bạn là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng trong tương lai bạn cần trở thành một doanh nghiệp lớn, thì mới thành công. Vì vậy, khi khởi nghiệp, bạn nên quan tâm đến những xu hướng có thể phát triển trong 10 năm tiếp theo, thậm chí xa hơn là 20 năm tới.
"Điều này đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn, đồng thời bạn phải tìm cách thu hút nhà đầu tư, tìm kiếm những nhân sự phù hợp cho công ty. Đặc biệt, bạn cũng phải luôn ý thức rằng, doanh nghiệp của mình sẽ phải vươn ra toàn cầu. Điều này đòi hỏi bạn phải giỏi tiếng Anh, phải xây dựng website của doanh nghiệp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh", ông Alex Schulzte khuyến nghị.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thành công của các startup Việt với những khoản gọi vốn đầu tư lớn. Ví như Nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến Foody đã gọi vốn thành công là 64 triệu USD, Trang thương mại điện tử Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD, Sàn giao dịch điện tử Sendo.vn gọi vốn thành công 51 triệu USD.
Đặc biệt, trong năm ngoái các tập đoàn kinh tế lớn tăng cường đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương đối hoàn chỉnh. Nhiều startup khởi nghiệp thành công nhờ nhận được sự hỗ trợ từ các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp…
Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội - BK Holdings chia sẻ, "Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các dự án khởi nghiệp từ sinh viên, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp để trường đại học Bách Khoa Hà Nội có thể có tiếp tục có thêm nhiều câu chuyện thành công như BKAV, Socbay, CleverAd".
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Thế giới WIF, các doanh nghiệp cũng như cá nhân khởi nghiệp thất bại thường do quá tập trung vào việc bán sản phẩm, quảng cáo sản phẩm,… mà quên rằng sau khi đã có sản phẩm vẫn cần phải nghiên cứu để đổi mới, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cá nhân khởi nghiệp với các cơ quan Nhà nước, các trung tâm nghiên cứu, kể cả các trường đại học thường rất lỏng lẻo. Khi đã có sản phẩm, các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp thường đi tìm kiếm nguồn đầu tư với mức chia lợi nhuận cao, dẫn đến thua lỗ, thậm chí có nhiều startup trên thế giới đã thất bại và bị chính nhà đầu tư thâu tóm.
Để các startup Việt không rơi vào tình trạng này, ông Alain Goudsmet, Chủ tịch và Sáng lập Tập đoàn Mentally Fit, cho rằng, không ngại thất bại là yếu tố tiên quyết khi mong muốn khởi nghiệp của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào trên thế giới, mà tôi đã từng tiếp xúc. Song, làm thế nào để khi chẳng may thất bại, bạn có kinh nghiệm để vượt qua điều này? Đó lại không phải là câu hỏi dễ trả lời.
"Ai cũng mong rằng không bị thất bại khi khởi nghiệp, nhưng muốn làm như vậy, các bạn phải tạo cho mình một thứ năng lượng tập hợp từ cảm xúc, trí tuệ và tinh thần. Doanh nghiệp hay sản phẩm khởi nghiệp của bạn chỉ có thể thành công khi bạn có sứ mệnh rõ ràng và sống với những giá trị cốt lõi của sản phẩm mà bạn sáng tạo nên", ông Alain nói.
"Để khởi nghiệp thành công thì 10% việc học hỏi đến từ phương pháp đào tạo truyền thống, 20% việc học hỏi đến từ những người đào tạo và 70 % còn lại phải do chính người muốn khởi nghiệp tự học. Học từ những công việc trong thực tế, những trải nghiệm của mình khi khởi nghiệp, học cả những người đã khởi nghiệp thành công cũng như thất bại", ông Alain đưa ra lời khuyên.
Trong năm 2018, có hơn 131.000 doanh nghiệp ở Việt Nam được thành lập, thì cũng có 90.600 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Vì vậy, đại diện Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Thế giới WIF khuyên rằng: “không ngại làm lại khi thất bại” sẽ là kinh nghiệm đầu tiên mà bất cứ ai khởi nghiệp đều phải nghiên cứu.
Nếu biết doanh nghiệp nào đã bị tạm dừng hoạt động, hay đóng cửa... hãy gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp ấy, để tìm hiểu kinh nghiệm. Khi có kinh nghiệm vì sao bị đóng cửa, người khởi nghiệp có thể tránh được điều này. Luôn suy nghĩ đến việc đưa doanh nghiệp ra toàn cầu và có khát khao khởi nghiệp, khi đó dù có thất bại, cũng không ngại làm lại.
Mai Hạnh