Thứ bảy, 04/05/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/12/2021 16:00 (GMT+7)

Khi Đà Lạt không còn là thành phố ngàn thông

Theo dõi KTMT trên

Rừng thông Đà Lạt đang bị tấn công hàng ngày. Nhiều diện tích rừng trên địa bàn Đà Lạt cũng đang bị “gặm nhấm” trở thành những ngôi biệt thự, khách sạn.

Nếu Đà Lạt mất hết thông thì không còn là Đà Lạt

Rừng thông là một nét đặc trưng khiến ta nhớ ngay tới thành phố Đà Lạt. Dường như ở những địa điểm du lịch nổi tiếng đều gắn liền với rừng thông xanh rì, tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt và không khí trong lành, nhất là vùng ngoại ô xa thành thị.

Vùng đất cao nguyên đại ngàn có các cánh rừng thông lâu đời, chủ yếu là thông 3 lá, có nhiều khi tuổi còn ngang với sự hình thành của thành phố. Những vùng đất chưa được khai thác nhiều thì bóng dáng của những rặng thông già càng đậm đặc hơn. Những con đường đèo, núi, bao phủ xung quanh là thông cao vút xòe tán rộng, không khí trong lành, nhiệt độ thấp, mát rượu. Có lẽ vì được phủ xanh và ở trên cao nên khí hậu Đà Lạt lúc nào cũng mát không hề nóng bức, khó chịu. 

Khi Đà Lạt không còn là thành phố ngàn thông - Ảnh 1
Rừng thông vừa sở hữu vẻ đẹp lãng mạn vừa có vẻ đẹp mạnh mẽ và kiên cường. (Ảnh minh họa)

Rừng thông vừa sở hữu vẻ đẹp lãng mạn vừa có vẻ đẹp mạnh mẽ và kiên cường. Không giống như loài cây khác cần người chăm bón thường xuyên, cắt tỉa tỉ mỉ thì mới lớn, khỏe mạnh không dễ bị yểu, còn cây thông thì chỉ cần nắng mưa gió trời là vươn lên cao lớn và sừng sững. Ngay cả trong những khu rừng rậm rạp, cây thông vẫn vươn lên mỗi ngày, mọc cây con và xanh tốt. Thông tạo vẻ đẹp riêng cho Đà Lạt, ngắm những hàng thông khiến tâm trạng nhẹ nhõm thế nên nơi này mới trữ tình vậy.

Đến với Đà Lạt, kiểu gì bạn đi tham quan nhiều cùng bắt gặp rừng thông vì dường như nó bao phủ không gian. Khu vực cây cối xanh tươi luôn lồng lộn gió, cách biệt với thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Hít hà hương thơm cỏ cây, ngẩng mặt là thấy những ngọn thông vun vút trên đầu, nắng xuyên qua kẽ lá chiếu rọi khắp nơi, mặt đầu hết ẩm ướt và vạn vật lại bừng tỉnh sức sống.

Rừng thông Đà Lạt luôn là một trong những điểm check in các bạn trẻ và các gia đình đi thăm thú cảnh đẹp không bỏ lỡ. Những khu rừng bạt ngàn có chút gì đó gợi mở chào đón, đi sâu thấy ma mị, bí ẩn mà chẳng thể khiến người ta khựng lại cứ cuốn hút đi tiếp để khám phá. Vẻ đẹp của phố núi thử thách lòng gan dạ của con người.

Các mảng rừng thông được thay thế bằng biệt thự

Không chỉ đất nông nghiệp bị xâm hại, nhiều diện tích rừng trên địa bàn Đà Lạt cũng đang bị “gặm nhấm” từng ngày. Nằm gần trung tâm Đà Lạt, khu vực rừng ở đồi Ông Sư (đi vào theo hẻm 37 Ngô Thì Sỹ, phường 4), nơi vẫn còn những cánh rừng thông cổ thụ, chỉ cần rẽ vào các lối mòn, sẽ nhận ra vì sao thông ở Đà Lạt ngày càng ít đi.

Quanh đồi Ông Sư, hàng chục căn nhà “lụi” mọc trên đất nông nghiệp thi nhau lấn vào đất rừng. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp cũng có dấu hiệu “bào mòn” vào đất rừng, đang được chia thành các lô nhỏ.

Cá biệt ở đây còn có nhiều công trình xây dựng kiên cố trên đất rừng. Ngay khu vực rừng thông giáp đường bê tông, phóng viên ghi nhận nhiều cây thông chết khô, một số cây đã bị cưa trơ gốc. Cạnh đó là những hàng ổi, bơ, hồng… trồng xen vào, thủ đoạn lấn rừng thường thấy ở Lâm Đồng. Hàng chục cây thông cổ thụ khác sát đường mòn nằm cheo leo, có thể bật gốc đổ bất cứ lúc nào.

Một người tự nhận là chủ căn nhà nằm giáp rừng khu vực này cho biết, do nằm ngay trung tâm Đà Lạt nên đất ở đây có giá cao. Khu đất nông nghiệp chưa có sổ rộng 200 m2 được rao bán tới 2 tỉ (đã có nhà trên đất). Việc mua bán qua giấy tay, nếu sau này được đưa ra khỏi đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng thì “trúng lớn”.

Khi Đà Lạt không còn là thành phố ngàn thông - Ảnh 2
Cảnh rừng bị chặt phá. (Ảnh minh họa)

“Nếu Đà Lạt mất hết thông thì không còn là Đà Lạt! Đến lúc đó chẳng ai đến du lịch nữa. Những cánh rừng thông nơi đây không thể bị tỉa dần mãi được...” - bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã thốt lên như vậy trong một cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Các mảng rừng thông trên đường Bùi Thị Xuân giờ đây đã được thay bằng những biệt thự, khách sạn 1-2 sao. Tháng 5/1999, cánh rừng nguyên sinh ở đường Bà Triệu đã bị hạ gần hết và được thay thế bằng khu nhà liên kế với 47 căn. Khu rừng 25 ha (trên 15 tuổi) nằm trên đường Phù Đổng Thiên Vương đang bị xe ủi san bằng để biến thành một khu dân cư mới. Những rừng thông xa trung tâm thành phố cũng bắt đầu xuất hiện các căn nhà tạm, nhà cấp 4 và cả biệt thự.

Bên cạnh việc chặt phá, rừng thông Đà Lạt còn bị đục thân để khai thác nhựa. Ông Nguyễn Thành Đô, Phó Ban quản lý rừng đặc dụng Lâm Viên (đơn vị quản lý bảo vệ rừng thông ngoại vi TP.Đà Lạt) cho biết, nguy hiểm nhất là nạn khai thác nhựa thông. Chỉ vì một kg dầu mà cả một cây thông phải chết.

Nạn phá rừng làm rẫy, trồng hoa và rau màu cũng diễn ra thường xuyên. Phường 8 mất đến 2.000 ha thông để thay thế bằng nương rẫy. Tại xã Tà Nung, người dân lập cả một ngôi làng trong rừng với gần 100 hộ, kéo theo đó là gần 100 ha rừng bị chặt phá để lấy đất trồng màu.

Ban quản lý rừng đặc dụng Lâm Viên cho biết, trong ba năm qua, Ban đã trồng mới trên 1.000 ha, nhưng chất lượng rừng thông nguyên sinh toàn thành phố chưa được cải thiện. Rừng thông Đà Lạt đang bị tấn công hàng ngày. Theo TS Phó Đức Đỉnh, một nhà lâm học chuyên nghiên cứu về thông, điều quan trọng nhất là phải quy hoạch phát triển rừng thông Đà Lạt bên cạnh quy hoạch phát triển đô thị, đừng như lâu nay “bắt” rừng thông phải “theo đuôi” đô thị.

Rừng phòng hộ trên địa bàn phường 4 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại tổ 18 Quảng Thừa, đường ngang ngõ tắt chi chít giấy rao bán đất, mỗi m2 đất nông nghiệp rao từ 15-20 triệu đồng. Đi theo đường bê tông chạy qua cánh rừng vào, phát hiện ra khu nhà kính và hàng chục căn nhà bê tông kiên cố.

Xung quanh đó đồi núi đang bị san gạt, cải tạo mặt bằng ngổn ngang. So sánh trên bản đồ quy hoạch, khu vực này đều là đất nông nghiệp, đất rừng.

Vẫn tại tổ 18 Quảng Thừa, “núp” sau một cánh rừng còn khu nhà trái phép với những căn nhà cao tầng rộng hàng trăm m2. Tại đây, phóng viên Báo PLVN ghi nhận, đang diễn ra hoạt động xây dựng bờ ta luy. Vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang, có công trình nhà ở đang xây “lụi”.

Cả một khu đất lớn giáp rừng phòng hộ vừa được đào múc, san gạt để dựng nhà kính, nhiều cây thông bị đào múc ngã ngổn ngang. Dấu hiệu lấn chiếm đất rừng phòng hộ rõ rệt.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khi Đà Lạt không còn là thành phố ngàn thông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới