Khánh Hòa: Làm rõ thông tin dự án kè biển tác động xấu tới môi trường
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND thị xã Ninh Hòa làm rõ những vấn đề chuyên gia phản ánh dự án án kè bờ biển phường Ninh Hải tác động xấu tới cảnh quan, môi trường.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND thị xã Ninh Hòa phối hợp với các Sở NN&PTNT, KH&ĐT, TT&TT, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, có văn bản trả lời chính thức về dự án kè bờ biển phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa), tránh ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện dự án, cũng như nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
UBND thị xã Ninh Hải báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất, tham mưu những nội dung vượt thẩm quyền về UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí phản ánh, dự án kè bờ biển phường Ninh Hải được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt từ 7/2020, địa điểm là bãi biển tổ dân phố 1 và 2 Đông Hải.
Thời gian thực hiện công trình này từ năm 2020 - 2022, do UBND thị xã Ninh Hòa làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục chính: Đê và kè bảo vệ dài 727 m, lan can kè, 8 bậc cấp ngoài kè làm lối lên xuống, đường quản lý kết hợp đường dân sinh dài 704 m, mặt đường rộng 3,5 m và vỉa hè 2 bên rộng từ 1 - 2 m.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, các chuyên gia môi trường bày tỏ lo ngại khi xây dựng bờ kè sát biển Dốc Lết khiến cảnh quan bãi biển ở phường Ninh Hải bị thay đổi, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ xóa sổ đường bờ biển đẹp của bãi biển nổi tiếng Dốc Lết.
Tờ Tiền phong thông tin, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, bày tỏ lo lắng vì những tác động xấu tới cảnh quan môi trường và sức hấp dẫn du lịch của bãi biển Dốc Lết do công trình kè tạo ra.
“Cát ở bãi Dốc Lết khá mịn nên có khả năng tiêu tán năng lượng sóng tới hơn 90%. Trong khi đó, công trình kè biển thường chỉ tiêu tán được khoảng 20% đến 50% năng lượng sóng. Nếu xây dựng công trình kè biển, khi sóng tới công trình sẽ bị phản xạ và sóng phản xạ kết hợp với sóng tới sẽ tạo ra trường sóng rất mạnh trước công trình, làm hạ thấp bãi, phá hoại bãi cát và trong tương lai sẽ gây xói lở mạnh hơn”, ông Ca cảnh báo.
Theo ông Ca, với các bãi biển như Dốc Lết thì sóng truyền theo hướng vuông góc với bờ sẽ chỉ gây biến động bãi biển theo mùa. Vào mùa đông, sóng lớn tạo nước dâng (do sóng kết hợp với triều cường) sẽ nạo vét cát gần bờ, gây xói bãi. Mùa hè, sóng lừng từ ngoài khơi truyền vào sẽ bồi lại bãi.
“Vậy nếu không xây kè thì có sao không? Tất nhiên là vẫn có sạt lở vào mùa mưa bão nhưng cát sẽ được bồi lại vào mùa hè. Đó là quy luật hàng ngàn năm nay về quá trình bồi lấp ở các bãi biển. Chúng ta không thể lấy lý do có sạt lở và sóng cao trong mùa mưa bão để thực hiện một giải pháp can thiệp công trình mà tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là không làm gì”, ông Ca cho hay.
Trước các ý kiến lo ngại của chuyên gia, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết việc xây dựng bờ kè nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân địa phương trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong nhiều năm qua, người dân địa phương luôn đối mặt với tình trạng nước triều dâng.
Từ thực trạng này, tỉnh Khánh Hòa đã lựa chọn khu vực bờ biển Ninh Hải để xây bờ kè nhằm chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chống tình trạng nước biển dâng cao gây xâm thực, xói lở đường bờ biển.
“Chúng ta không thể so sánh công trình đang thi công với việc thay đổi hiện trạng vốn có của bờ biển. Hơn nữa, sau khi thi công bờ kè hoàn thành thì sẽ giống như khu vực bờ biển Nha Trang, Đại Lãnh”, ông Thạnh nói.
Tùng Anh