Khám phá 10 công trình kiến trúc sử dụng vật liệu tái chế
Sử dụng vật liệu tái chế hoặc tái sử dụng vật liệu cũ trong xây dựng chính là xu hướng được rất nhiều kiến trúc sư áp dụng trong thời gian qua. Những vật liệu này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại giá trị thẩm mỹ cao.
Tái chế và tái sử dụng trong xây dựng dân dụng là việc làm vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta xem xét đến lượng chất thải/khí thải và khả năng tiêu thụ năng lượng trong quá trình xây dựng tại các công trường. Để kiến tạo ngành công nghiệp xây dựng bền vững, có trách nhiệm và thân thiện với môi trường, một trong những hành động đặc biệt cần thiết đó chính là sử dụng những vật liệu có thể tái chế hoặc tận dụng lại các vật liệu cũ, thiết kế hoặc cải tạo những vật liệu này để tiếp tục sử dụng cho công trình mới một cách phù hợp.
Việc sử dụng vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng những vật liệu cũ có lẽ sẽ không được nhiều người thích thú bởi cho rằng những vật liệu này đã lỗi thời và khó ứng dụng, nếu được sử dụng cũng sẽ “khoác” thêm ra ngoài nhiều lớp hoàn thiện nhằm che đi nét cũ kỹ. Tuy nhiên trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, có rất nhiều vật liệu, vật dụng mặc dù đã bị phá huỷ nhưng khi được phục hồi hoặc tái chế lại vẫn có thể tái sử dụng rất tốt, mang lại hiệu quả bất ngờ cho các công trình mới.
Những vật liệu có thể tái chế hoặc vật liệu cũ được sử dụng trong các ngôi nhà, căn hộ, khách sạn hay bất cứ công trình kiến trúc nào khác đều mang tuyên ngôn về hoạt động xây dựng bền vững và có ích cho môi trường. Dưới đây là một số ví dụ về các dự án xây dựng sử dụng các vật liệu tái chế trong nội nội thất theo nhiều cách khác nhau, không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ tốt mà còn có chức năng làm giảm tiêu hao năng lượng và tạo ra bầu không khí trong lành, dễ chịu.
1. Upcycle House | Lendager Arkitekter (Đan Mạch)
Khi xây dựng ngôi nhà, các kiến trúc sư đã nghĩ đến việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu lượng CO2 thải ra. Vật liệu tái chế đã được cân nhắc từ đó như 1 phương án vừa tốt cho môi trường vừa có giá thành thấp.
Cấu trúc chính có tác dụng chịu lực của ngôi nhà chính là 2 thùng container, mái nhà và mặt tiền thì làm từ vỏ lon nhôm tái chế. Mặt tiền còn được sử dụng thêm vật liệu là giấy tái chế, được nghiền thành bột, ép lại với nhau và xử lý nhiệt. Sàn nhà bếp được những miếng nút chai rượu sâm banh lát gạch, và gạch phòng tắm được làm từ thủy tinh tái chế.
Tường và sàn nhà được phủ bằng các tấm OSB (Oriented strand board – bảng sợi định hướng) bao gồm dăm gỗ là sản phẩm sinh học của các địa điểm sản xuất khác nhau, được ép lại với nhau mà không cần keo.
Các vật liệu tái chế được sử dụng rất nhiều trong ngôi nhà nhưng quả thực không thể nhìn thấy rõ. Ngôi nhà trông giống như một ngôi nhà hiện đại được xây dựng bằng vật liệu thông thường.
2. Nhà hàng Zero Waste Bistro | Linda Bergroth (Mỹ)
Nhà hàng được thiết kế bởi Linda Bergroth với những bức tường được tạo nên từ bao bì thực phẩm đã qua nghiền nát và xử lý. Những bức tường này mang đúng màu sắc của các loại bao bì thu nhặt được, nếu nhìn gần còn có thể thấy chữ in và mã vạch.
Không những thế, những vật dụng khác trong nhà hàng như bàn, khay, cốc chén,… cũng đều được làm từ những vật liệu tái chế, được cung cấp bởi nhiều đơn vị khác nhau do chính Linda Bergroth lựa chọn.
3. Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian của Học viện Nghệ thuật Trung Quốc: Sử dụng gạch cũ
Công trình do Kengo Kuma & Associates thực hiện sử dụng gạch tái chế từ các ngôi nhà ở địa phương.
4. Bảo tàng lịch sử Ninh Ba: Sử dụng gạch tái chế
Dự án của Wang Shu, Amateur Architecture Studio. Đội ngũ kiến trúc Amateur Architecture đã thiết kế mặt tiền của tòa nhà như thể bề mặt ngọn núi, bao gồm những bức tường bê tông cốt thép khổng lồ, một mặt được ốp bằng gạch nung và đất sét tái chế.
5. Khách sạn Tepoztlán | Taller Carlos Marín + Pasquinel Studio (Mexico)
Công trình là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên. Kiến trúc sư đã sử dụng chính loại đá có được sau quá trình đào móng tại công trình để xây dựng các bức tường và lối dẫn. Cấu trúc tổng thể của khách sạn được làm bằng bê tông sắc đỏ tự nhiên, được lựa chọn để phù hợp với màu sắc của cảnh quan và tông màu đỏ của những ngọn đồi bao quanh thung lũng Tepozteco.
Ngoài ra, tất cả ván gỗ được sử dụng khi xây dựng công trình đều là gỗ tái chế, được xử lý và làm thành sàn nhà và đồ nội thất.
6. Ready-made | azab (Tây Ban Nha)
Căn hộ sử dụng khá nhiều các vật liệu tái chế và đồ thủ công tự làm đầy sáng tạo. Đầu tiên, KTS đã tái sử dụng đá cẩm thạch Marquina (từng được sử dụng trong phòng bếp cũ) để ốp nền, tạo hiệu ứng như 1 tấm thảm màu đen, đồng thời giúp phân chia chức năng sử dụng của không gian. Vật liệu này cũng được tái sử dụng để ốp mặt cầu thang.
Ngoài ra, kiến trúc sư đã tái sử dụng những ván gỗ ép kết hợp với các khung thép trắng và vàng độc đáo tạo để tạo thành dàn kệ treo sáng tạo, độc đáo.
7. The Beehive: Mái ngói đất nung tái chế
Nhóm thiết kế Luigi Rosselli và Raffaello Rosselli sử dụng ngói đất nung, vật liệu bị bỏ để kiến tạo mặt tiền của văn phòng ở Surry Hills, Úc. Thiết kế tạo ấn tượng và nhằm giảm thiểu ánh sáng gay gắt vào tòa nhà.
8. Carroll House: Sử dụng thùng container
Carroll House do LOT-EK thiết kế là dinh thự dành cho một gia đình nằm tại một góc Brooklyn, Mỹ. Công trình sử dụng 21 container được xếp chồng lên nhau, cắt chéo dọc trên và dưới, tạo ra những khối hình hộp giữa lòng đô thị.
9. Head in the Clouds Pavilion: Sử dụng chai nhựa tái chế
Công trình do STUDIOKCA thiết kế làm từ 53.780 chai nhựa tái chế – số lượng chai bị bỏ đi ở thành phố New York chỉ trong một ngày.
Công trình là không gian nơi du khách có thể bước vào bên trong và chiêm ngưỡng ánh sáng, màu sắc xuyên qua những chiếc chai nhựa đã bị bỏ đi.
10. Bảo tàng nghệ thuật Naju: Sử dụng giỏ nhựa bán trong suốt tái chế
Đây là thiết kế của Hyunje Joo. Bức tường kiến trúc linh hoạt, không phải cố định, bao gồm 1.500 cấu trúc giỏ bán trong suốt. Mặt tiền làm giảm thiểu sự ngăn cách giữa không gian bên trong và bên ngoài khi ánh sáng bên ngoài chiếu xuyên qua.
Minh Phương