Thứ bảy, 20/04/2024 11:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/11/2020 08:38 (GMT+7)

Khai thác cát gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông ở Tuyên Quang: Sau kiểm tra vẫn hoạt động bình thường

Theo dõi KTMT trên

Hai doanh nghiệp ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) khai thác cát gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông khiến hàng nghìn mét vuông đất hoa màu trôi sông. Cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng sau đó họ vẫn khai thác như "chưa có cuộc kiểm tra".

Tan hoang những “bờ xôi, ruộng mật”

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đăng tải bài viết “Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cáy sỏi gây ô nhiễm”. Bài viết phản ánh tình trạng khai thác cát gây ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở bờ sông và đất nông nghiệp một cách nghiêm trọng tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nguyên nhân được cho là do hoạt động khai thác cát sỏi của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Một số người dân sinh sống nơi đây cho biết, kể từ khi có hoạt động khai thác cát sỏi, hàng loạt bãi bồi trồng cây nông nghiệp ven sông bị sạt lở, cuốn trôi xuống sông Lô, gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Khai thác cát gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông ở Tuyên Quang: Sau kiểm tra vẫn hoạt động bình thường - Ảnh 1
Hàng loạt lá đơn kêu cứu của người dân trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng diện tích đất nông nghiệp.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn xã Tân Long có 2 đơn vị được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác cát sỏi là Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thuận (Công ty Tiến Thuận - PV) và Công ty Cổ phần Công nghiệp Tân Hà (Công ty Tân Hà -PV).

Theo đó, ngày 5/2/2016, UBND tỉnh Tuyên Quang cấp Giấy phép số 08/GP/UBND khai thác khoáng sản cho Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thuận (địa chỉ tại tổ 6, phường Tân Hà, TP. Tuyên Quang) được khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên bãi cát, sỏi lòng sông Lô, thuộc địa bàn xã Thắng Quân và Tân Long, huyện Yên Sơn.

Diện tích khu vực khai thác 24 ha, được giới hạn bởi các điểm góc từ 1 đến 16, chiều sâu khai thác tối đa tính từ mặt lớp cát, sỏi của các khối trữ lượng khai thác 4,5 m, trữ lượng địa chất cấp 122 được phê duyệt 749.257 m3, trữ lượng cấp khai thác cấp 122: 674.331m3, công suất khai thác 100.000 m3/năm, thời hạn khai thác trong 7 năm.

Cũng trên đoạn sông này, ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 51/GP-UBND cho Công ty Tân Hà bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát, sỏi lòng sông Lô, sông Gâm thuộc địa bàn các xã Tân Long, Thắng Quân, Phúc Ninh, huyện Yên Sơn. Thời hạn khai thác là 25 năm kể từ ngày ký giấy phép khai thác.

Theo giấy phép khai thác, Công ty Tân Hà được cấp diện tích khu vực khai thác là 19 ha, chia làm 3 khu vực, trữ lượng địa chất cấp 122 là 692.389 m3; trữ lượng khai thác cấp 122 là 599.288 m3 (trong đó: trữ lượng cát là 310.431 m3, trữ lượng sỏi là 288.857 m3); công suất khai thác là 24.000 m3/năm (trong đó, cát là 12.480 m3/năm, sỏi là 11.520 m3/năm).

Khai thác cát gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông ở Tuyên Quang: Sau kiểm tra vẫn hoạt động bình thường - Ảnh 2
Hàng ngày, những chiếc tàu được hoán cải thành tàu cuốc vẫn vô tư "đục khoét" lòng sông Lô.

Theo ý kiến phản ánh của người dân, các doanh nghiệp này khai thác cát, sỏi rất bừa bãi, thường xuyên hoạt động quá giờ, không cắm mốc hệ thống phao tiêu, trên các tàu cũng không gắn biển hiệu hay số hiệu để nhận biết. Đồng thời, do thiếu sự giám sát, xử lý kiên quyết của các cơ quan chức năng dẫn đến việc doanh nghiệp khai thác một cách không kiểm soát, gây sạt lở hàng loạt diện tích trồng hoa màu khiến người dân vô cùng bức xúc.

Không những vậy, khu vực các tàu trên khai thác là đầu Soi Sính về phía đầu thượng lưu; dưới Soi Sính về phía cuối thượng lưu (thuộc xã Tân Long và xã Thắng Quân) khiến Khu di tích lịch sử Soi Sính đã được xếp hạng có nguy cơ biến mất.

Ngoài ra, điều khiến người dân băn khoăn là, với số lượng tàu có ngày ít 2- 3 chiếc, ngày đông đến cả chục tàu hút cát, sức chứa từ 50 - 100 m3/tàu trở lên, các doanh nghiệp này có khai thác vượt quy định?

Đang bị tạm dừng vẫn ngang nhiên hoạt động?

Việc cấp phép khai thác cát, sỏi cho các doanh nghiệp đã gây ra hàng loạt hệ lụy cho người dân sinh sống ven sông, khiến hàng nghìn mét vuông đất bị sạt lở, bờ bãi tan hoang. Kể từ khi các doanh nghiệp này hoạt động, chính quyền xã Tân Long cũng đã có hàng loạt báo cáo lên UBND huyện Yên Sơn và Phòng TNMT huyện Yên Sơn về việc sạt lở đất dọc bờ sông Lô trên địa bàn xã.

Khai thác cát gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông ở Tuyên Quang: Sau kiểm tra vẫn hoạt động bình thường - Ảnh 3
Hàng loạt biên bản kiểm tra của chính quyền xã Tân Long về tình trạng sạt lở bãi bồi nông nghiệp.

Cụ thể, ngày 24/8/2018, UBND xã Tân Long có báo cáo số 54/BC-UBND gửi UBND huyện và Phòng TNMT huyện Yên Sơn về tình trạng sạt lở bờ sông Lô tại khu vực cấp mỏ khai thác.

Theo nội dung báo cáo, sau khi kiểm tra thực địa các vị trí sạt lở tại ví trí được cấp phép khai thác cát sỏi đã phát hiện 3 vị trí. Vị trí thứ nhất tại xóm 9 khu vực cấp phép khai thác cho Công ty Tân Hà, hộ ông Phạm Văn Thủy bị sạt lở vào bờ tổng diện tích khoảng 217 m2. Vị trí thứ 2 sạt lở tại xóm 11 thuộc khu vực cấp phép khai thác cho Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thuận, hộ ông Nguyễn Văn Tỵ bị sạt lở tổng diện tích 2.720 m2.

Vị trí sạt lở thứ 3 tại xóm 12 thuộc khu vực cấp phép khai thác cho Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thuận gồm các hộ Lý Văn Minh, Lý Văn Quang, Bàn Văn Lập, Lý Văn Niêu, Đặng Văn Chiều, Đặng Văn Xuân, bà Lý Thị Văn, Lý Thị Hồng có chiều dài theo bờ sông là 70 m, chiều ngang sạt lở vào bờ ước tính khoảng 15 m, tổng diện tích khoảng 1.050 m2.

Ngoài ra hộ ông Triệu Văn Mùi bị sạt lở khoảng 300 m2, hộ bà Trần Thị Hoa bị sạt lở diện tích khoảng 100 m2. Nguyên nhân sạt lở ngoài yếu tố tự nhiên thì do các đơn vị khai thác cát sỏi làm sâu lòng sông tạo độ dốc cho dòng chảy.

Mới đây, ngày 5/10/2020, trước hàng loạt ý kiến phản ánh của nhân dân, UBND xã Tân Long đã cử lực lượng công an xã xuống lập biên bản sự việc. Theo nội dung biên bản, người dân thôn 9 cho biết, từ năm 2016 đến nay, tàu khai thác cát sỏi của Công ty Tân Hà hoạt động trên khu vực sông Lô thuộc thôn 9, xã Tân Long dẫn đến hiện tượng sạt lở đất ven sông của một số hộ dân. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Phạm Văn Vỹ bị sạt lở 2.000 m2 đất ven sông, gia đình anh Trần Văn Hà bị sạt lở khoảng 600 m… Điều này cũng đã được lãnh đạo UBND xã Tân Long xác nhận trong buổi làm việc trước đó với PV.

Khai thác cát gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông ở Tuyên Quang: Sau kiểm tra vẫn hoạt động bình thường - Ảnh 4
Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thời gian tới nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục bị sạt sở.

Nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc khai thác cát gây sạt lở đất của người dân, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Yên Sơn. Sau khi tham khảo thông tin của cán bộ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Yên Sơn cho biết, phía UBND xã Tân Long đã báo cáo việc sạt lở bờ sông lên UBND huyện. UBND huyện cũng mới lập đoàn kiểm tra do một đồng chí phó Chủ tịch huyện chủ trì.

Bà Hà cũng thông tin thêm, từ đầu tháng 10/2020, Công ty Tân Hà đã bị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động khai thác cát. Lý do bị tạm dừng cụ thể như thế nào thì bà Hà không nắm rõ và cho biết sẽ sắp xếp buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo huyện.

PV cũng đã liên hệ làm việc với Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang nhằm làm rõ quy trình tham mưu cấp phép, cũng như công tác kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác cát sỏi đối với những công ty trên. Một đồng chí Phó chánh văn phòng Sở này tiếp nhận thông tin và hẹn PV quay lại trong một buổi làm việc khác.

Việc khai thác cát sỏi gây sạt lở bờ sông. Vậy số lượng phương tiện và khối lượng khai thác các cơ quan quản lý Nhà nước có nắm được không? Việc gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất đai của người dân ai chịu trách nhiệm? Đây là những câu hỏi mà người dân xã Tân Long rất cần các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang sớm có câu trả lời.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguyên Bá

Bạn đang đọc bài viết Khai thác cát gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông ở Tuyên Quang: Sau kiểm tra vẫn hoạt động bình thường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới