Khải Hoàn Land lên sàn, có đạt mục tiêu lợi nhuận 2021?
Khải Hoàn Land đặt ra mục tiêu lợi nhuận 400 tỉ đồng trong năm 2021 trước thời điểm lên sàn chứng khoán, nhưng kết thúc quý I/2021 chỉ đạt được 9 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lợi nhuận quý I/2021 chưa bằng 1% kế hoạch năm
Công ty cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land (Khải Hoàn Land - mã chứng khoán: KHG) được thành lập vào năm 2009, trụ sở đặt tại quận 7, TP.HCM, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới bất động sản. Thời gian gần đây, Khải Hoàn Land bắt đầu lấn sân, trở thành chủ đầu tư bất động sản và kinh doanh tài chính.
Ngay trước thời điểm niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, KHG có biến động nhân sự tại vị trí kế toán trưởng khi bổ nhiệm ông Khu Việt Nghĩa thay ông Phùng Quang Hải vào ngày 14/7/2021.
Tại thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Khải Hoàn Land chỉ có 6 tỉ đồng. Đến năm 2016, vốn doanh nghiệp tăng lên 3.000 tỉ đồng, gấp 500 lần. Sau đó năm 2019 giảm còn 1.200 tỉ đồng và lần thay đổi gần nhất tháng 8/2020, Khải Hoàn Land tăng vốn lên 1.600 tỉ đồng.
Mặc dù trong thời điểm 2017 - 2019, quy mô vốn của Khải Hoàn Land liên tục thiết lập ở con số 1.000 - 3.000 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ dao động mức 10 - 16 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,71%. Đến năm 2020 trước thềm niêm yết, Khải Hoàn Land báo doanh thu, lợi nhuận tăng vọt, lần lượt đạt 303 tỉ đồng, tăng 122% và 96 tỉ đồng tăng 825%.
Tại ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 4/2021, bà Đinh Nhật Hạnh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Khải Hoàn Land cho biết, đầu năm 2021 trong bối cảnh thị trường đang khởi sắc với nhiều triển vọng, doanh thu và lợi nhuận của Khải Hoàn Land trong quý I tăng trưởng gấp 3 lần doanh thu và lợi nhuận cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu tài chính của Khải Hoàn Land được đặt ra tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 là doanh thu thuần đạt 2.137 tỉ đồng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I/2021 của Khải Hoàn Land, doanh thu thuần đạt 80 tỉ đồng, trong đó giá vốn bán hàng 55 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 25 tỉ đồng, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ có 8 tỉ đồng.
Trong cơ cấu tài sản hơn 2.400 tỉ đồng của Khải Hoàn Land tính tới quý I/2021 cho thấy, doanh nghiệp không có hàng tồn kho, trong khi đó khoản phải thu lên tới 2.076 tỉ đồng, tiền mặt cộng với gửi ngân hàng 123 tỉ đồng, tài sản cố định 214 tỉ đồng, đầu tư tài chính 20 tỉ đồng và tài sản khác 15 tỉ đồng.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Hiện nay Khải Hoàn Land đang tham gia vào 3 dự án bất động sản, gồm: La Partenza (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM), Helios Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), KĐT mới Gò Găng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tính ra, 3 dự án này có tổng quỹ đất khoảng trên 200 ha. Tuy nhiên, các dự án do Khải Hoàn Land đầu tư và phát triển hầu hết đang chậm tiến độ.
Tại dự án La Partenza do Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh làm chủ đầu tư nhưng Khải Hoàn Land đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong đó, Khải Hoàn Land góp 800 tỉ đồng vào dự án và sẽ nhận được 450 căn hộ. Để có dòng tiền đối ứng, Khải Hoàn Land thu 400 tỉ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn và 351 tỉ đồng từ đi vay.
Điều lưu ý là Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh là thành viên của Khải Hoàn Land. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư thắc mắc, Khải Hoàn Land đã chuyển 800 tỉ đồng cho đơn vị thành viên chưa? Hay số tiền này vẫn đang "nằm trên giấy" hoặc được thanh toán theo từng đợt và phụ thuộc vào tính thanh khoản của 450 căn hộ mà Khải Hoàn Land được nhận tại La Partenza?
Đến nay, dự án La Partenza vẫn đang bị thắc mắc về thủ tục pháp lý. Trao đổi với báo chí ngày 19/7/2021, ông Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, trên địa bàn huyện không có dự án nào có tên La Partenza mà chỉ có dự án Cao ốc căn hộ tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
Về dự án Cao ốc căn hộ tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè do Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh làm chủ đầu tư, ông Phan Lê Nguyễn cho hay, dự án được UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 vào ngày 18/12/2020.
Tại dự án KĐT mới Gò Găng, Khải Hoàn Land cũng đưa chiến lược hợp tác với Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn - Vũng Tàu (cổ đông có 12,5% sở hữu tại Khải Hoàn Land) ký hợp đồng vay vốn trung và dài hạn với mục đích tài trợ cho dự án với số tiền là 490 tỉ đồng. Thời gian vay là 12 tháng và sẽ tiếp tục được gia hạn theo thỏa thuận giữa hai bên. Lãi suất vay theo thỏa thuận và được áp dụng cho từng giai đoạn.
Lợi ích Khải Hoàn Land thu được là sau khi Khải Hoàn - Vũng Tàu hoàn tất các điều kiện pháp lý tiên quyết của dự án, Khải Hoàn Land sẽ được quyền quyết định tham gia hợp tác đầu tư phát triển 2 tiểu khu của dự án với diện tích khoảng 170 ha.
Do phần lớn các dự án đều là hợp tác, góp vốn, việc hoàn tất các thủ tục pháp lý nhanh hay chậm không phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Khải Hoàn Land. Do đó, tiến độ các dự án đúng như cam kết, đưa vào giao dịch, ghi nhận doanh thu lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2021 hay không là câu hỏi cần thời gian trả lời.
Trong báo cáo của mình, Khải Hoàn Land cũng thừa nhận có nhiều rủi ro khi thực hiện dự án như các dự án bất động sản thường phải đối mặt chậm tiến độ trong các giai đoạn thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thiết kế, thi công, xây dựng và hoàn thiện. Rủi ro chậm tiến độ là rủi ro trọng yếu có thể ảnh hưởng và kéo theo các rủi ro khác cho tổ chức phát hành…
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại do chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước ban hành trong năm 2018 và có hiệu lực từ năm 2019 tiếp tục cho các năm 2020, 2021.
Cổ phiếu KHG "nằm sàn" sau 2 ngày lập đỉnh
Ngày 23/7, nhà đầu tư chứng kiến sự xuống giá và bán ra ồ ạt cùng lượng giao dịch ít ỏi của cổ phiếu KHG trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/7, cổ phiếu KHG ở mức 19.100 đồng/cp, giảm 9,91% so với ngày 22/7.
Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp cổ phiếu KHG giảm giá. Trước đó, ngày 22/7, KHG kết thúc phiên giao dịch với giá 21.200 đồng/cp, giảm 9,79% so với ngày 21/7 (23.500 đồng/cp).
Cổ phiếu KHG được giao dịch phiên đầu tiên ngày 19/7 trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong ngày đầu tiên, KHG tăng 30% lên 19.500 đồng/cp, ban đầu giá trị tham chiếu chỉ là 15.000 đồng/cp.
Sự kiện KHG tăng 30% so với giá tham chiếu khiến nhà đầu tư bất ngờ bởi trong những ngày đầu tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cả sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM rơi điểm.
Tuy nhiên, sau 2 ngày tăng giá thì KHG đã có 2 ngày liên tiếp giảm giá, hiện các nhà đầu tư vào KHG đang thâm hụt 400 đồng/cp.
Bên cạnh đó, ngày 23/7 cũng chứng kiến khối lượng giao dịch cực thấp đối với cổ phiếu KHG khi chỉ dừng ở mức 194.400 cổ phiếu, trong đó chủ yếu là lượng bán ra.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch KHG luôn ở mức xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu, như ngày 19/7 có 3,8 triệu cổ phiếu giao dịch; ngày 22/7 có hơn 1 triệu cổ phiếu KHG được giao dịch.
Dấu hiệu này khiến nhà đầu tư dự đoán, đang có một làn sóng mua vào KHG nhưng không dám bán ra bởi lo ngại tình trạng bán tháo trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/7; hoặc cũng có thể KHG không được nhiều nhà đầu tư quan tâm như những ngày đầu niêm yết.
Hồng Khang