Thứ sáu, 03/01/2025 03:02 (GMT+7)
Thứ hai, 17/06/2024 14:24 (GMT+7)

“Khách du lịch thường không bay đêm”

Theo dõi KTMT trên

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Corporation, khẳng định bay đêm chỉ phù hợp đối với hoạt động thuê bay nguyên chuyến (bay charter) để tiết kiệm được thời gian hoặc dịp Tết.

Tại hội thảo “Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân dân tổ chức tại Hà Nội mới đây, Chủ tịch Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định, khách có tiền mới đi du lịch bằng máy bay nên “khách sẽ không chọn bay đêm”, ông Kỳ nói.

“Khách du lịch thường không bay đêm” - Ảnh 1
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong tháng 5 hãng đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách. Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Kỳ, hoạt động bay đêm của hàng không chỉ phù hợp với các chuyến bay charter vì sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển cho khách du lịch hoặc dịp Tết Nguyên đán để phục vụ người dân về quê đoàn tụ với gia đình.

Cũng chính vì thế, theo chia sẻ của ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong tháng 5 hãng đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách. Điều này, vô hình chung khiến hãng bay này bị ảnh hưởng nhiều và mất tính chủ động.

“Khách du lịch thường không bay đêm” - Ảnh 2
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Corporation, cho rằng bay đêm của hàng không chỉ phù hợp với các chuyến bay charter.

Theo khẳng định của Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, đây là vấn đề cung - cầu của thị trường. “Chúng ra đưa ra chuyến bay đêm, song thị trường chưa sẵn sàng. Lý do là vì có nhiều điều không thuận tiện cho khách như mất thêm một đêm khách sạn, điều này khiến các công ty du lịch ngại ngần”, ông Hà phân tích.

Đại diện hãng hàng không Vietravel Airlines cũng cho hay, hãng này mở rộng khai thác và tăng các chuyến bay đêm sau 21 giờ ở các chặng như TPHCM – Đà Nẵng/Hà Nội; Hà Nội – Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Vietravel và Vietravel Airlines cũng phối hợp thực hiện 36 chuyến bay charter (bay đêm) chặng TPHCM – Băngkok (Thái Lan).

“Khách du lịch thường không bay đêm” - Ảnh 3
Các doanh nghiệp lữ hành cũng khẳng định, không làm tour nội địa với đường bay đêm, trừ khi có yêu cầu. Ảnh minh họa.

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist, cho biết doanh nghiệp cũng nắm được thông tin về việc phát triển các chuyến bay đêm của các hãng hàng không nhưng “không đánh giá cao”. BenThanh Tourist vì thế không làm tour nội địa với đường bay đêm, trừ khi có đoàn khách yêu cầu riêng. “Giải pháp này chưa phù hợp với các chương trình du lịch nội địa và nhu cầu của khách trong nước”, bà Linh chia sẻ.

Theo bà Linh, du lịch là để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và các chuyến bay đêm không phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ, người già trong khi 80% các sản phẩm nội địa hè phục vụ mục đích du lịch gia đình. Ngoài ra, các chuyến bay đêm cũng ảnh hưởng giấc ngủ, khiến tinh thần mệt mỏi, không đảm bảo cho những trải nghiệm ngày kế tiếp của khách. Quan trọng hơn, người Việt chưa có thói quen bay đêm, đặc biệt với đối tượng trung tuổi hay khách hàng khối cơ quan, doanh nghiệp.

Tìm hiểu trên trang bán vé online của Vietravel Airlines cho chặng bay TPHCM – Đà Nẵng ngày 12/7, mức giá chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm khoảng 500.000 đồng. Vietnam Airlines cũng chỉ chênh vài trăm ngàn đồng.

“Khách du lịch thường không bay đêm” - Ảnh 4
Một trong những lý do các công ty lữ hành đưa ra, bay đêm nội địa “không rẻ” vì phát sinh nhiều chi phí khác, trong đó có chi phí cho lưu trú. Ảnh minh họa.

Ông Trần Thanh Vũ, CEO của Vinagroup Travel, thừa nhận chi phí cho các chuyến bay đêm nội địa “không rẻ” vì phát sinh nhiều chi phí khác. “Với mức giá chênh không lớn, trong khi khách bay đêm vẫn phải tốn thêm chi phí cho một đêm khách sạn, chưa kể các chi phí phát sinh khác nếu kéo dài thêm lịch trình như đi lại, ăn sáng… Vẫn biết, chuyến bay đêm là nỗ lực của ngành hàng không nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề khác trong tour”, ông Vũ phân tích.

Theo nhận định của các chuyên gia, giá vé máy bay hiện nay tăng cao song các hãng hàng không đều đang khó khăn. Nếu xét toàn diện các yếu tố giảm giá cho ngành hàng không, đã đến lúc cần sự vào cuộc thực sự của Chính phủ - bà đỡ cho nền kinh tế, trong đó có vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.

“Chi phí doanh nghiệp hàng không rất lớn, trong khi chúng ra đang bay thuê, tất cả của người ta, từ cái bánh, cái ốc cũng phải nhập,… chúng ta đang ‘bay gia công’, phụ thuộc biến đổi thị trường. Chính phủ cùng các bên phải ngồi lại, xem cần giải pháp gì cho ngành hàng không”, ông Kỳ đề xuất.

Theo thống kê mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), ghi nhận trên các đường bay nội địa, lượng vé đã đặt trên các chuyến bay trong nước giai đoạn cao điểm hè (từ 15/6 - 15/7) vẫn ở mức trung bình thấp. Tỷ lệ đặt chỗ có cao hơn, song chỉ xuất hiện trên một số đường bay từ Hà Nội và TPHCM đến các điểm du lịch.

Cụ thể, theo số liệu cập nhật ngày 15 - 17/6, tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đến các địa phương chỉ đạt khoảng trên 50% ngay trong dịp cuối tuần; với các ngày xa hơn, tỷ lệ này còn rất thấp, ở mức từ 20 - 40%.

Võ Chí Kiên

Bạn đang đọc bài viết “Khách du lịch thường không bay đêm”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới