Thứ sáu, 22/11/2024 20:28 (GMT+7)
Thứ tư, 10/08/2022 06:49 (GMT+7)

Kết nối địa phương và doanh nghiệp phát triển bền vững du lịch

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, ngành đang không ngừng nỗ lực cùng các địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn và điểm nghẽn trong phục hồi và phát triển du lịch.

Nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch trong nửa năm còn lại

Từ số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 7 tháng đầu năm, thị trường du lịch nội địa đón gần 71 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Ngược lại, thị trường quốc tế chỉ mới qua gần 1/5 chặng đường. Do đó, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch trong nửa năm còn lại.

Đây là nội dung chính được nêu ra tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc năm 2022. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức.

Trong 7 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 954.000 lượt, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu trong năm nay là đón 5 triệu lượt khách quốc tế thì con số này vẫn còn khoảng cách khá xa, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch năm và bằng 8% cùng năm năm 2019.

Kết nối địa phương và doanh nghiệp phát triển bền vững du lịch - Ảnh 1

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Để tìm lời giải cho bài toán này, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra nhiều giải pháp như: gia tăng thời hạn visa cho khách quốc tế thay vì 15 ngày như hiện nay, tăng cường liên kết giữa các địa phương và các đơn vị cung ứng dịch vụ… nhằm làm mới các điểm đến.

Các địa phương xây dựng sản phẩm gắn du lịch với văn hóa, thể thao… để thu hút khách quốc tế hơn nữa; đồng thời, sớm có trao đổi với mạng lưới cơ quan ngoại giao để sớm mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu…

Cùng với đó, Bộ phải tháo gỡ điểm nghẽn cho từng địa phương, xây dựng được thể chế xúc tiến vùng để hình thành phong sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách quốc tế. Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cho rằng, cơ cấu doanh thu của 18 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019 còn lớn so với doanh thu của 85 triệu khách nội địa.

Điều này cho thấy, thị trường quốc tế vô cùng quan trọng đối với hạ tầng du lịch Việt Nam, nên ngành Du lịch và địa phương khẩn trương định hướng nguồn khách và thị trường cho ngành, cũng như doanh nghiệp theo hai giai đoạn, từ nay đến cuối năm và sau 2023.

Về sản phẩm, Việt Nam cần có hệ thống sản phẩm khác biệt, với mỗi địa phương cần có ít nhất một sản phẩm đặc sắc nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm mới đủ sức cải thiện năng lực cạnh tranh, lợi thế hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Muốn làm du lịch thì phải có sản phẩm du lịch

Tại tọa đàm "Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch" ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, ngành đang không ngừng nỗ lực cùng các địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn và điểm nghẽn trong phục hồi và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, những đơn vị này cũng phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch nhiều địa phương triển khai phong phú hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam lần này có đại diện khoảng 9 tỉnh, thành phố, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp dẫn đầu sẽ là đầu mối thúc đẩy hiệu quả kết nối chương trình du lịch. Thông qua chương trình lần này, Bộ hy vọng lắng nghe, ghi nhận và tìm ra giải pháp khắc phục điểm những điểm nghẽn, mở rộng và khơi thông thị trường du lịch trên cơ sở cùng nhìn lại sự phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong thời qua để tiến xa hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị ngành Du lịch các địa phương phải có tư duy mới, nhất là tư duy số hóa ngành, hợp tác và phát triển địa phương... Bởi muốn làm du lịch thì phải có sản phẩm du lịch và nếu chỉ khai thác những gì đã có sẵn thì không thể đáp ứng được xu hướng thị trường hay thị hiếu du khách.

Các địa phương cần khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa - văn hóa; du lịch sinh thái; cải thiện dịch vụ; liên kết phải đi vào chất lượng... Mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc, cũng như tiếp tục quan tâm và bổ sung cụ thể hóa những chương trình hành động, góp phần kiến tạo chính sách...

Riêng doanh nghiệp được xác định là “trái tim” của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, nên chủ động rà soát lại hoạt động, đổi mới sáng tạo, hòa nhập vào xu hướng bứt phá thị trường... Cụ thể, doanh nghiệp tính toán và đi sâu vào nhóm nhu cầu mới của ngành Du lịch, khai thác tối đa xu hướng thị trường và đáp ứng thị hiếu du khách. Đối với những vấn đề doanh nghiệp không vượt khó được thì chính quyền địa phương và ngành sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ, tìm giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã và đang đề xuất nhiều cơ chế chính sách và thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho ngành Du lịch phục hồi và phát triển. Bộ cũng thúc đẩy hoàn thiện quy hoạch ngành Du lịch không chỉ dừng lại ở giải pháp, mà là hướng đến mục tiêu và động lực. Điển hình, đầu tư cho ngành Du lịch cần giải quyết bài toán căn cơ và dựa trên khai thác tiềm lực xã hội; đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá trên thị trường du lịch quốc tế bên cạnh thị trường nội địa.

Và Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM  tham gia tọa đàmcho rằng, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì là năm triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau hai năm thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. TP.HCM đang tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2023-2025, bảo bảo tốc độ tăng GRDP khoảng 8-8,5%/năm giai đoạn 2021-2025.

Du lịch được xem là ngành quan trọng của nền tảng kinh tế, không chỉ bởi sự đóng góp vào tổng thu kinh tế, mà còn là ngành dịch vụ tổng hợp tạo nhiều việc làm. Ngành Du lịch có tính liên ngành, xã hội hóa cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển cho ngành nhiều ngành khác trên địa bàn TP.HCM.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Kết nối địa phương và doanh nghiệp phát triển bền vững du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới