Thứ bảy, 23/11/2024 07:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/11/2020 08:21 (GMT+7)

Kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm tới tính đến cả ảnh hưởng của Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Tổng chi NSNN năm 2021 vẫn giảm khoảng 60 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2020 và ưu tiên bố trí tăng chi cho đầu tư phát triển. Giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%.

Chiều 5/11, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm tới (2021-2025) với những mục tiêu cụ thể tính đến cả các diễn biến của dịch Covid-19.

Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, mặc dù có nhiều dự báo tích cực, nhưng sự phục hồi kinh tế thế giới và khu vực phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong nước, chúng ta có những thuận lợi cơ bản như: Ổn định chính trị; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA); sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; nhưng bên cạnh đó, trong năm tới vẫn phải yêu cầu duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của biến động chính trị - kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng lớn.

Kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm tới tính đến cả ảnh hưởng của Covid-19 - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2021 trên cơ sở đánh giá sát khả năng thu ngân sách của từng địa phương năm 2020, dự báo kinh tế thế giới; dự kiến dự toán thu ngân sách trên cơ sở GDP tăng 6%, lạm phát dưới 4%, giá dầu 45 USD/thùng.

“Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội và NSNN không chỉ dừng trong năm 2020, mà sẽ còn sang năm 2021, thậm chí có thể một số năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, sau khi làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh năm 2021 là 5,6% so với ước thực hiện năm 2020, là mức khá tích cực trong điều kiện còn nhiều rủi ro” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Dự toán thu NSNN năm 2021 là 1,34 triệu tỉ đồng (giảm gần 170 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2020); tỉ lệ huy động vào NSNN là 15,5% GDP; trong đó, từ thuế phí là 13% GDP điều chỉnh (tương ứng 19,7% và 16,6% GDP chưa điều chỉnh).

Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội và kích cầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đề xuất bội chi NSNN năm 2021 là 4% GDP (tương ứng là 5% GDP chưa điều chỉnh), tăng 1,5% so với dự toán 2020 (tăng thêm 109 nghìn tỉ đồng). Bội chi NSNN chỉ dành cho đầu tư phát triển (không dành cho chi thường xuyên). Khi đó nợ công năm 2021 là 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tổng chi NSNN năm 2021 vẫn giảm khoảng 60 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2020 và dự kiến bố trí như sau: Ưu tiên bố trí tăng chi cho đầu tư phát triển để đạt tỉ trọng 28,3% tổng chi NSNN (dự toán 2020 là 26,9%); bố trí trả nợ lãi và dự phòng theo quy định của Luật NSNN; dành nguồn ưu tiên cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chi thường xuyên năm 2021 sẽ giảm 56 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2020. Vì vậy, yêu cầu trong năm 2021, chúng ta phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đồng thời, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Về dự kiến Kế hoạch tài chính – NSNN 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở dự toán NSNN năm 2021 trình Quốc hội; mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 6,5 - 7% (theo dự thảo Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trình Đại hội 13 của Đảng), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỉ đồng, gấp 1,1 – 1,2 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Giai đoạn tới dự kiến thu từ đất và hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản ngang bằng giai đoạn 2016-2020, thu từ dầu thô chỉ bằng 1/2 của giai đoạn 2016-2020 và chỉ chiếm 3,3% GDP điều chỉnh của giai đoạn 2021-2025.

Về chi NSNN, dự kiến 5 năm tới tổng số là 9,7 triệu tỉ đồng, gấp 1,3 lần giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, chi đầu tư phát triển là 2,75 triệu tỉ đồng, chiếm 27 - 28% tổng chi NSNN, nhằm hỗ trợ nền kinh tế khôi phục sau đại dịch Covid-19.

Lam Lê

Bạn đang đọc bài viết Kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm tới tính đến cả ảnh hưởng của Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới