Indonesia triển khai nhiều biện pháp đối phó với khói bụi độc hại
Hàng năm, một số vùng rộng lớn tại Kalimantan và Sumatra của Indonesia thường bị "nhấn chìm" trong khói bụi độc hại do nạn cháy rừng gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng triệu người.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Kampar, Riau, Indonesia, ngày 13/9/2019. Nguồn: AFP/TTXVN |
Hàng năm, một số vùng rộng lớn tại Kalimantan và Sumatra của Indonesia thường bị "nhấn chìm" trong khói bụi độc hại do nạn cháy rừng gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng triệu người dân sống ở những khu vực này.
Các vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ việc chặt phá các đồn điền dầu cọ để giải phóng mặt bằng hoặc chế biến bột giấy.
Theo Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), tính đến ngày 20/9 vừa qua đã có 5.086 điểm cháy được ghi nhận và 328.724ha rừng bị đốt cháy.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 16/9 vừa qua ghi nhận tại thành phố Palangkaraya (miền Trung Kalimantan), hơn 280.000 người phải sống trong khu vực có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức nguy hiểm là 452.
Hiện có hàng trăm nghìn người tiếp xúc với các hạt vật chất độc hại có đường kính 2,5 micron (PM2,5) trở xuống.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các hạt có đường kính từ 10 micron trở xuống có thể xâm nhập và ẩn sâu trong phổi, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe hơn là những hạt có đường kính 2,5 micron trở xuống, có thể xuyên qua phổi và xâm nhập hệ thống máu.
Mức độ tiếp xúc với không khí độc hại này khiến người dân ở các tỉnh Riau và Kalimantan có nguy cơ cao mắc hội chứng hô hấp cấp tính, nhiễm trùng do hít phải mức độ không an toàn của các hạt vật chất trong không khí.
Một nghiên cứu của Viện Chính sách Năng lượng thuộc trường Đại học Chicago ước tính cư dân Sumatra và Kalimantan có nguy cơ bị giảm tuổi thọ trung bình 4 năm do tiếp xúc với hạt vật chất nguy hiểm do khói mù gây ra.
Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng, chính quyền địa phương ở Sumatra và Kalimantan kêu gọi người dân, đặc biệt là trẻ em, nên ở trong nhà để tránh không khí độc hại, trong khi một số tổ chức xã hội dân sự đang phân phối mặt nạ N95 chống khói bụi.
BNPB cho biết các nhà chức trách đã triển khai hàng chục máy bay trực thăng với hơn 200 triệu lít nước để dập tắt đám cháy. Bộ Xã hội và các cơ quan chính phủ khác cũng đã thiết lập hàng chục ngôi nhà an toàn, được đóng kín không gian với các bộ lọc không khí và bình oxy có thể lọc không khí trong nhà.
Đối phó với khói bụi là một cuộc chạy đua với thời gian. Điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng và xác định các giải pháp trong một thời gian ngắn để bảo vệ các gia đình dễ bị tổn thương.
Bằng cách kết hợp các vật liệu có sẵn tại địa phương và FFU để triển khai ngay tại những vùng đang bị ảnh hưởng. Indonesia có thể trợ cấp để tất cả các gia đình bị ảnh hưởng có thể tiếp cận sự bảo vệ cần thiết. Các thiết bị này cũng có thể được cài đặt trong nhiều trường học hơn để bảo vệ trẻ em.
Nguồn gốc của khói bụi cần được giải quyết không chỉ một lần mà về lâu dài. Tuy nhiên, việc giải quyết hoàn toàn thách thức phức tạp này có thể mất thời gian.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek đã lên tiếng ủng hộ việc sử dụng các giải pháp công nghệ đơn giản để bảo vệ các cộng đồng chống lại khói bụi.
Đối mặt với mùa khói bụi hiện nay, các tổ chức xã hội dân sự và chính phủ có thể phối hợp chặt chẽ để đáp ứng khẩn cấp các nhu cầu sức khỏe cộng đồng bằng các công cụ như các đơn vị FFU tự lắp ráp cũng như các giải pháp phù hợp và sẵn có khác.
Khi tình trạng khói bụi tiếp tục diễn ra tại Sumatra và Kalimantan, hàng trăm nghìn người vẫn đối mặt với những nguy cơ đối với sức khỏe.