Indonesia: Thủ đô Jakarta đứng đầu thế giới về rủi ro môi trường
Jakarta là thành phố đông dân nhất của Indonesia đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do tắc nghẽn giao thông hàng ngày, cũng như đối mặt với các mối đe dọa lâu dài từ hoạt động địa chấn, lũ lụt.
Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho biết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng cùng các mối đe dọa địa chấn và lũ lụt kéo dài khiến thủ đô Jakarta tại Indonesia, đứng đầu danh sách các thành phố bị đe dọa bởi các rủi ro môi trường.
Được công bố tuần qua, nghiên cứu trên đánh giá và xếp hạng 576 thành phố lớn nhất thế giới dựa vào mức độ đối mặt với các rủi ro môi trường, với mục đích cảnh báo các công ty hoạt động tại các khu vực đô thị này.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu của Verisk Maplecroft, ông Will Nichols cho biết: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy Jakarta là thành phố có nguy cơ cao nhất, song trên toàn cầu cũng có tới 414 thành phố với hơn 1,4 tỉ dân có nguy cơ cao hoặc rất cao do sự kết hợp giữa ô nhiễm, nguồn cấp nước cạn kiệt, nhiệt độ tăng cao, các hiểm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu.”
Verisk Maplecroft lưu ý đặc biệt tới Jakarta là thành phố đông dân nhất của Indonesia đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí do tắc nghẽn giao thông hàng ngày, cũng như phải đối mặt với các mối đe dọa lâu dài từ hoạt động địa chấn và lũ lụt.
Dữ liệu thời gian thực do IQAir thu thập cho thấy Jakarta là thành phố ô nhiễm thứ 11 trên thế giới vào ngày 14/5 vừa qua, xếp dưới thành phố Kolkata (Ấn Độ) và thủ đô Riyadh (Saudi Arabia).
Theo ước tính của IQAir, ô nhiễm không khí có thể khiến 4.000 người tử vong sớm tại thủ đô Jakarta và gây thiệt hại lên tới 1 tỉ USD trong năm nay.
Trước đó, một nghiên cứu được công bố năm 2018 trên tạp chí khoa học Geosciences của Thụy Sĩ cho thấy Jakarta nằm trên lưu vực đất phù sa mềm, điều có thể khuếch đại chấn động của các trận động đất được kích hoạt từ hoạt động của các đứt gãy kiến tạo đang hoạt động gần đó gồm Cimandiri, Lembang và Baribis.
Ngoài ra, Jakarta cũng đối mặt với tình trạng ngập lụt kinh niên, do nằm ở khu vực hạ lưu một số con sông lớn trên đảo Java, bao gồm Ciliwung và Cipinang.
Sau nhiều thập kỷ khai thác nước ngầm không kiểm soát, Jakarta cũng đang phải đối mặt với tình trạng sụt lún đất lớn khi một số khu vực ở phía Bắc thành phố đã nằm dưới mực nước biển.
Verisk Maplecroft cảnh báo rằng các vấn đề mà thủ đô Jakarta phải đối mặt cũng đang hiện diện rõ tại nhiều thành phố lớn khác, chủ yếu tập trung tại châu Á - khu vực chiếm tới 99 trong tổng số 100 thành phố có mức độ rủi ro môi trường nhất thế giới.
Hữu Chiến