Indonesia nâng thâm hụt ngân sách năm 2021 lên 5,2% GDP
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định nâng thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2021 từ 4,17% lên 5,2% GDP nhằm tiếp tục xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và phục hồi nền kinh tế.
Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định nâng thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2021 từ 4,17% lên 5,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm tiếp tục xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và phục hồi nền kinh tế.
Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra sau cuộc họp Nội các ngày 28/7, Bộ trưởng Tài chính, bà Sri Mulyani Indrawati cho biết ngân sách nhà nước năm 2021 được soạn thảo theo hướng ứng phó với tình trạng không chắc chắn này.
Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ phục hồi về mức 0,4% trong quý 3/2020 và 3% trong quý 4. Nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay.
Bộ trưởng Sri Mulyani dự báo tăng trưởng kinh tế có thể sụt giảm 5,1% trong quý 2/2020 do đại dịch Covid-19.
Trong quý 1 năm nay, tăng trưởng kinh tế của Indonesia đã giảm xuống 2,97% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Sri Mulyani cho biết xu hướng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu đã nhanh chóng ảnh hưởng đến Indonesia và gây gián đoạn cung-cầu của đất nước. Chính phủ nước này đã sử dụng ngân sách nhà nước năm 2020 làm công cụ chính để khắc phục tác động của dịch bệnh và tài trợ cho chương trình ERP.
Bà Sri Mulyani đánh giá rằng tác động lớn nhất của đại dịch đối với kinh tế Indonesia đã diễn ra vào tháng Năm và sẽ tiếp tục trong quý 3 và quý 4. Tăng trưởng GDP cả năm dự kiến sẽ ở trong khoảng -0,4% đến 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5,03% hồi năm ngoái.
Trước đó, Bộ Tài chính Indonesia cho biết thâm hụt ngân sách nhà nước đã tương đương 1,57% GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 khi thu ngân sách sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu ngân sách vẫn tăng trưởng tích cực nhằm hỗ trợ xử lý tác động của đại dịch.
Các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế của Indonesia. Điều này cho thấy tình trạng không chắc chắn cao, đặc biệt là trong năm 2020.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng GDP của quốc gia này sẽ sụt giảm 0,3% và Ngân hàng Thế giới (WB) đề cập đến mức tăng trưởng bằng không.
Trong khi đó, dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần lượt là từ -2,8 đến 3,9%, và -1%.
Hữu Chiến