IMF kêu gọi chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, giờ là lúc cần chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hướng tới một nền kinh tế xanh và công bằng hơn trong tương lai.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: AP) |
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới với thiệt hại khủng khiếp đã phần nào làm lu mờ cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia đang dần nới lỏng những biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch, dẫn đến sự trở lại dần của các hoạt động tiêu dùng và du lịch, đi kèm với đó là những lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ quay trở lại.
Mới đây, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, giờ là lúc cần chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hướng tới một nền kinh tế xanh và công bằng hơn trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp ra mắt sáng kiến toàn cầu "Cuộc điều chỉnh vĩ đại" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 3/6, bà Georgieva cho rằng thế giới cần sử dụng tất cả sức mạnh, đặt các khoản đầu tư và ưu đãi vào vị trí phù hợp, loại bỏ những khoản đầu tư không bền vững.
Giám đốc điều hành IMF đặc biệt nhấn mạnh đến việc tận dụng giá dầu thấp để loại bỏ các khoản trợ cấp không có lợi cho môi trường. Theo bà Georgieva, cách tốt nhất để tưởng nhớ những người đã ra đi trong đại dịch là xây dựng thế giới xanh hơn, thông minh hơn và công bằng hơn.
Theo ước tính của IMF, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, than, khí đốt...) hàng năm ở mức 5.200 tỉ USD trong năm 2017, tương đương 6,5% nền kinh tế toàn cầu.
Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí BP, ông Bernard Looney cũng đồng ý với quan điểm về chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ủng hộ các chính sách đầu tư xanh, giống như những gì Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu áp dụng. Danh mục năng lượng thay thế của BP bao gồm năng lượng gió, năng lượng Mặt trời và nhiên liệu sinh học.
Mỹ và Trung Quốc hiện là những nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Việc nhiều nước áp đặt các lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khí thải ra môi trường giảm đáng kể. Tuy nhiên, ví dụ như tại Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí đã tăng trở lại mức sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Theo Văn phòng Hàng không Dân dụng Liên bang Thụy Sỹ, máy bay là hình thức vận chuyển gây ô nhiễm nhất làm gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển và chịu trách nhiệm phần lớn cho tình trạng nóng lên toàn cầu. Phát thải từ hàng không chiếm từ 2% - 2,5% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra.
Ô nhiễm không khí quay trở lại Trung Quốc sau mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Getty) |
Tố Uyên