Hưởng ứng hoạt động bảo vệ môi trường du lịch năm
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2022.
Ngày 5/6/2022 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với Chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học,…
Hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6
Theo thông tin, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc yêu cầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6, Tháng hành động vì môi trường năm 2022 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện thực tế, triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2022 với chủ đề “Chỉ một trái đất” (Only One Earth).
Cùng với đó, tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích tại cơ quan, đơn vị (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu thân thiện với môi trường). Đồng thời tổ chức và phối hợp tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia (Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);
Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch (Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động thể dục thể thao trong các khu dân cư, nơi công cộng (Quyết định số 1794/QĐ-BVHTTDL ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên
Trong đó cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu/điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bổ sung trang thiết bị phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các khu/điểm du lịch, di tích, cơ sở văn hóa, thể thao, địa điểm vui chơi giải trí…
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Giới thiệu, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả.
Song song đó, tăng cường số lượng các tin bài, phóng sự trên các sản phẩm báo giấy, trang thông tin điện tử... tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhân dịp này, Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc bố trí treo băng rôn tại trụ sở cơ quan với chủ đề “Chỉ một trái đất” – (Only One Earth) từ ngày 02-06/6/2021. Các đơn vị có chức năng tuyên truyền như Trung tâm Thông tin du lịch, Tạp chí Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tăng cường đưa tin, bài về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch. Ngoài ra, các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị đề xuất và triển khai các hoạt động phù hợp.
Tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong cơ quan, doanh nghiệp.
Xây dựng và vận hành hiệu quả các công trình bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực. Đây cũng là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Bùi Hằng