Hướng đến sản phẩm xanh, tiêu dùng bền vững: Thay đổi từ doanh nghiệp, nhà sản xuất
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, tiêu dùng bền vững ít tác động đến môi trường được người tiêu dùng ngày càng quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại.
Mối liên kết nhà sản xuất - người tiêu dùng
Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết tạo chuỗi sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), khái niệm về sản xuất, tiêu dùng bền vững còn khá mới mẻ tại Việt Nam, do đó, cần nhiều thời gian để thay đổi nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất xanh, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng là ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Bên cạnh đó, khái niệm sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được đưa vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được thông qua ngày 20/6/2023 nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, thể hiện rõ vai trò của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới. Theo đó, Luật bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có đến 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường (tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á là 76%). Sự thay đổi của người sử dụng sang hướng tiêu dùng bền vững khiến các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng phải “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới. Ngược lại, việc doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường cũng tác động đến quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt.
“Xanh” từ chính sách tới hành động
Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần trở thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao. Ông Hoàng Thành Vĩnh - đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam cần lên lộ trình nghiên cứu cụ thể, rõ ràng việc cấm đồ nhựa dùng một lần, bởi việc sử dụng những sản phẩm này một cách bừa bãi là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm rác thải nhựa.
Để thực hiện được việc này, cần có những cơ chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần như ống hút tre, nứa, túi vải, giỏ mây tre đan... Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp, nhà sản xuất hướng tới sản xuất bền vững, cần đưa ra các quy trình, quy định nhằm điều chỉnh hành vi như chính sách EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), buộc nhà sản xuất phải thực hiện các hành vi nhằm giảm thiểu các tác động có hại tới môi trường…
Trước những thách thức về “xanh hóa” sản xuất, cùng với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát động phong trào chống rác thải nhựa, đã có nhiều hành động, chương trình cụ thể được lan tỏa. Sự chỉ đạo của các bộ, ban, ngành và nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần tích cực, thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, đồng thời, sự cạnh tranh trong việc thu hút người tiêu dùng chọn lối sống xanh đã thôi thúc ngành sản xuất thay đổi.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối, kinh doanh bán lẻ, đã chung tay loại bỏ dần thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy ra khỏi hệ thống phân phối, thương mại. Nhiều siêu thị lớn của Việt Nam đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi ni lông cũng như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần. Theo đó, các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi ni lông.
Tại Hà Nội, Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4052/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP. Hà Nội với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Thúc đẩy và tiêu dùng theo hướng tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn; Quan tâm đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường…
Có thể thấy, hàng loạt các sản phẩm “xanh”, sản phẩm thay thế đồ dùng một lần, thân thiện môi trường ra đời và được đón nhận bởi người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Hoàng Hiền