Thứ hai, 25/11/2024 19:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/05/2019 09:47 (GMT+7)

Hưng Thịnh Phát và “trận chiến” thâu tóm đất Cao su Sao Vàng

Theo dõi KTMT trên

Ngày 4/6 tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ bán đấu giá 15% cổ phần sở hữu tại CTCP Cao su Sao Vàng (mã: SRC). Vào phút cuối một cá nhân đã rút đơn mua đấu giá cả lô 4,21 triệu cổ phần SRC do lo sợ bị “lép vế” trong cuộc chiến giành quyền lực tại SRC…

Quyền lực tại SRC thuộc về ai?

Theo kế hoạch, Vinachem sẽ bán đấu giá 4,21 triệu cổ phiếu SRC với giá khởi điểm 46.452 đồng/CP, dự kiến thu về tối thiểu 196 tỉ đồng. Sau giao dịch này, Vinachem sẽ giảm vốn từ 51% hiện tại xuống chỉ còn 36%, tương ứng sở hữu hơn 10,1 triệu cổ phiếu SRC. Vốn điều lệ SRC hiện là 280,6 tỉ đồng, tương ứng 28,06 triệu cổ phần lưu hành.

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Cường là người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng (tương ứng 10%) để mua cả lô 4,21 triệu cổ phần SRC đã gửi đơn hủy đăng ký tham gia đấu giá. Lý do được tiết lộ là “cổ phiếu SRC không hấp dẫn và không phù hợp với mục tiêu đầu tư”. Điều mà ông Cường lo sợ nhất là những lùm xùm quanh đợt thoái vốn của Vinachem và thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT). Ngay trước phiên đấu giá, nhóm cổ đông sở hữu 19,2% cổ phần SRC đã đưa được người của mình nắm giữ 2/5 vị trí trong HĐQT và 1/3 ghế Ban kiểm soát tại công ty.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Thành trúng cử vào HĐQT, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (kế toán trưởng CTCP Imperial Land) được bầu vào Ban kiểm soát của SRC. Trong số này, ông Nguyễn Văn Hùng là cổ đông sáng lập và Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát (Công ty Hưng Thịnh Phát).

Còn ông Nguyễn Văn Thành là Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hoành Sơn – là nhà đầu tư đã hợp tác với Cao su Sao Vàng để làm dự án bất động sản tại khu đất 231 Nguyễn Trãi.

Hưng Thịnh Phát và “trận chiến” thâu tóm đất Cao su Sao Vàng - Ảnh 1

“Miếng bánh màu mỡ” nhất của CTCP Cao su Sao Vàng là khu đất sạch tại số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội

Tuy nhiên, giữa tháng 5/2019, ông Trần Hồng Việt là người sở hữu 4,6% SRC đã gửi đơn lên một số cơ quan chức năng phản ánh về những bất thường trong việc miễn nhiệm nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát SRC.

Theo ông Việt, HĐQT đã miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Công Tuấn (đại diện cổ đông Công ty Cao su Việt Hàn) và đồng ý cho các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của SRC từ nhiệm theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 19,02% cổ phần trong khi chưa xác định tính hợp lệ về sở hữu cổ phần liên tục trong 6 tháng của nhóm này.

Việc bầu lại 2 thành viên HĐQT và Ban kiểm soát đã được thực hiện tại ĐHCĐ ngày 27/4/2019 với tỷ lệ thông qua. Điều lạ là, Vinachem mặc dù sở hữu 51% cổ phần SRC nhưng không thực hiện đề cử bổ sung thành viên HĐQT của nhiệm kỳ mới, tự mình tước bỏ quyền của cổ đông Nhà nước và để nhóm cổ đông nắm 19,02% đưa người vào nắm 2/5 ghế thành viên HĐQT của SRC.

Hưng Thịnh Phát và “trận chiến” thâu tóm đất Cao su Sao Vàng - Ảnh 2
Có 3 ứng viên được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát Cao su Sao Vàng đến từ nhóm cổ đông nắm 19,02%

Các quy trình thủ tục liên quan việc đề cử, bầu cử, sơ yếu lý lịch trích ngang của các ứng viên để đưa ra ĐHCĐ bầu cử…cũng được cổ đông phản ánh là chưa rõ ràng, không minh bạch.

Như vậy, các nhóm cổ đông với đại diện đến từ các tổ chức gồm: Công ty Hưng Thịnh Phát và Imperial Land có mối liên quan như thế nào và toan tính gì khi nắm quyền điều hành tại Cao su Sao Vàng?

Những “cá mập” gom tài sản Nhà nước

Theo chủ trương thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Vinachem sẽ bán cổ phần tại CTCP Cao su Sao Vàng để giảm vốn xuống 36% vốn điều lệ, đồng thời công ty sẽ di dời nhà máy ra khỏi nội đô, nhường khu đất số 231 Nguyễn Trãi rộng 6,24ha cho mục đích phát triển dự án bất động sản.

Do đó, sở hữu cổ phần SRC sẽ là con đường ngắn nhất để đặt chân vào dự án 231 Nguyễn Trãi và quỹ đất rộng lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, TP.HCM…

Hưng Thịnh Phát và “trận chiến” thâu tóm đất Cao su Sao Vàng - Ảnh 3
Nhà máy cao su Sao Vàng thành lập năm 1960 chuyên sản xuất săm lốp các loại sẽ phải di dời khỏi nội đô để làm dự án bất động sản

“Miếng bánh” ngon nhất là dự án 231 Nguyễn Trãi, từ năm 2012, ban lãnh đạo SRC đã trình cổ đông phương án chọn 2 nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn Phú Mỹ và CTCP Bất động sản Việt Hưng có chủ trương đầu tư vào khu đất vàng nhà máy sau di dời. Nhưng các cổ đông mà chú yếu là Vinachem phản đối do nghi ngờ năng lực đối tác và chưa định giá rõ khu đất, nên dự án vẫn “án binh bất động”.

Đến năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn của ông Phạm Hoàng Sơn xuất hiện trong tư cách đối tác hợp tác đầu tư, góp vốn thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại đất 231 Nguyễn Trãi. Hai bên đã thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn Hoành Sơn góp 74% cổ phần, còn SRC góp 26%.

Tập đoàn Hoành Sơn cũng cho Cao su Sao Vàng vay 26 tỉ đồng với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng để công ty góp vốn vào pháp nhân thành lập chung này. Hết thời hạn vay vốn, Cao su Sao Vàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn cho Tập đoàn Hoành Sơn. Nói cách khác, sau 3 năm (đến năm 2019) Tập đoàn Hoành Sơn sẽ có thể nắm 100% vốn tại Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn – pháp nhân đứng ra phát triển dự án 231 Nguyễn Trãi.

Hơn nữa, Tập đoàn Hoành Sơn hỗ trợ 435 tỉ đồng kinh phí để di dời Nhà máy cao su Sao Vàng về Hà Nam.

Mối thâm tình giữa Tập đoàn Hoành Sơn và Vinachem còn thể hiện ở thương vụ hợp tác đầu tư dự án cao ốc văn phòng số 180 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Vào năm 2015, Tập đoàn Hoành Sơn được CTCP Cao su Miền Nam (Casumina, mã: CSM) lúc đó do Vinachem sở hữu 51% vốn – lựa chọn thực hiện dự án này, sau trở thành trụ sở chính của Casumina. Song năm 2016, Casumina đã đổi tên đối tác trong hợp đồng hợp tác dự án cao ốc sang một doanh nghiệp khác, Hoành Sơn rút lui...

Thế nhưng, đối thủ của Hoành Sơn tại Cao su Cao Vàng giờ đây là Công ty Hưng Thịnh Phát của ông Nguyễn Văn Hùng và nhóm cổ đông bí ẩn.

Theo tìm hiểu, Hưng Thịnh Phát mới thành lập vào tháng 9/2016 với số vốn 50 tỉ đồng, do 3 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Văn Hùng, Trần Sỹ Hùng và Phạm Văn Thủy. Công ty đã nhanh chóng tăng vốn gấp 10 lần lên tới 500 tỉ đồng, và quyền sở hữu công ty đã được chuyển giao từ các cá nhân về một mối là (Đông Thịnh Phát).

Lịch sử Đông Thịnh Phát ra đời năm 2008 từ tiền thân là CTCP Xây dựng Hạ tầng Ticom với cổ đông sáng lập gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group), Công ty TNHH Đầu tư OGX và hai cá nhân Lê Văn Đua và Nguyễn Nam Trung. Ông Nguyễn Văn Hùng nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật của Đông Thịnh Phát.

Công ty Đông Thịnh Phát chính là chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Imperial Plaza trên khu đất 3,6ha tại số 360 Giải Phóng (Hà Nội). Khu đất này cũng từng là nhà máy cũ của Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ khí Quang Trung sau khi di dời, được tư nhân thâu tóm làm bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng là người đại diện pháp luật của Tincom Group – là chủ đầu tư của một số dự án chung cư lớn như Tincom city Pháp Vân, Paragon Tower Phạm Hùng…

Có thể thấy, các cá nhân đến từ Hưng Thịnh Phát và Đông Thịnh Phát, Tincom Group, Tập đoàn Hoành Sơn... có mối liên quan với nhóm cổ đông nắm 19,02% cổ phần Cao su Sao Vàng và dường như đã có sự hiệp thương để nắm quyền trong HĐQT công ty này. Liệu rằng các “cá mập” chuyên đi thâu tóm doanh nghiệp và tài sản quỹ đất Nhà nước sẽ có “nước cờ” gì tiếp theo để giành thế thắng trước đối thủ khi Vinachem thoái vốn?

Nam Dương

Bạn đang đọc bài viết Hưng Thịnh Phát và “trận chiến” thâu tóm đất Cao su Sao Vàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới