HSBC: Thuế không phải là yếu tố duy nhất quyết định số phận các dòng vốn FDI vào Việt Nam
Từ đầu năm nay, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro. Tuy nhiên, HSBC cho rằng, thuế không phải là yếu tố quyết định rót vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
FDI đổ vào sản xuất tăng cao
Trong báo cáo Vietnam At A Glance mới công bố, Ngân hàng HSBC nhận định, trong bức tranh kinh tế năm 2024 của Việt Nam, yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI ổn định mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Mặc dù chu kỳ thương mại là yếu tố mang tính ngắn hạn, FDI phản ánh tâm lý nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Theo HSBC, Việt Nam được biết đến rộng rãi là quốc gia hưởng lợi chính từ những căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, một xu hướng sẽ còn tiếp diễn. Cả tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây, đặc biệt là FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm đạt, khoảng 5% GDP.
Đáng chú ý là FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỷ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Malaysia.
Xét về nguồn FDI, HSBC cho hay, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm, nhưng Trung Quốc đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng. Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đại lục đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tổng cộng, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Macau chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023.
Đáng chú ý trong năm qua, phần lớn vốn FDI là đổ vào điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên. Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
HSBC cũng cho biết, ngoài đồ điện tử, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng bị thu hút bởi thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một xu hướng mà các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã nhắm đến từ sớm.
Thuế không phải là yếu tố quyết định duy nhất
Khi nói đến FDI, một diễn biến quan trọng cần quan sát chặt chẽ trong năm 2024 chính là việc triển khai thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1.
Trước đó, tháng 10/2023, 135 nước nhất trí với giải pháp hai trụ cột (Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận - Base Erosion Profit Shifting: BEPS) nhằm cải cách khung tính thuế quốc tế để giải quyết những thách thức từ việc đánh thuế trong lĩnh vực kinh tế số.
Theo trụ cột II của BEPS, các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu trên 750 triệu euro (tương đương 825 triệu USD) sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Liên minh châu Âu EU và một số quốc gia khác dự kiến triển khai trụ cột II từ năm 2024, còn các nước còn lại cũng thể hiện sẽ sẵn sàng áp dụng từ năm 2025. Ở Việt Nam, 122 công ty nước ngoài sẽ đối diện với mức tăng vọt về chi phí thuế, ước tính tạo ra nguồn thu ngân sách trị giá 600 triệu USD mỗi năm.
Theo HSBC, mặc dù còn quá sớm để đánh giá được tác động nhưng theo đánh giá của HSBC, những tác động này có thể nằm trong tầm kiểm soát. Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ cách quản lý nguồn ngân sách bổ sung từ thuế cũng như những phương pháp đi kèm hoặc ưu đãi khác sẽ được áp dụng nhằm bù đắp cho mức thuế tăng lên. Song song với việc bật đèn xanh cho tăng thuế, các cơ quan quản lý cũng đã lên kế hoạch nghiên cứu ban hành những ưu đãi cụ thể trong năm 2024.
HSBC nhận định, để đi đến một quyết định đầu tư thì thuế là yếu tố tối quan trọng, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định số phận các dòng vốn FDI.
Vì vậy, HSBC cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam cần cải thiện các chỉ số khác, chẳng hạn như mức độ kết nối hạ tầng, mức độ dồi dào của lực lượng lao động có tay nghề, sự thuận lợi trong kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do… Thêm nữa, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất chuẩn bị áp dụng mức thuế tối thiểu này, các nước ASEAN khác cũng đang nghiên cứu triển khai tương tự.
H.A