Hợp tác vì sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mê Kông
Với chủ đề "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông", Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4 nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995.
Hôm nay (5/4), tại Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4 sẽ diễn ra với chủ đề "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông".
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ 4 nước thành viên Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao lần này với vai trò là quốc gia Thành viên của Ủy hội sông Mê Kông.
Hội nghị còn có sự tham gia của 5 Quốc gia thành viên khác của Ủy hội và đại diện các đối tác của Ủy hội là Trung Quốc và Myanmar, cùng 12 Đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực.
Ngoài ra, đại diện các đối tác phát triển chiến lược tham dự cho thấy sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ lâu dài đối với lưu vực Mê Kông, giúp Ủy hội trở thành một hình mẫu về một tổ chức lưu vực sông uy tín trên thế giới.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4 nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995 và chức năng của Ủy hội; tiếp tục khẳng định các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây.
Phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực, và xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, chủ đề của hội nghị là "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông". Hội nghị bao gồm 3 phiên toàn thể và 7 phiên song song với nhiều bài trình bày, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của các chuyên gia trong khu vực và quốc tế.
Nhiều thách thức lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, thách thức đối với lưu vực sông Mê Kông xảy ra trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng gia tăng, gây áp lực lên tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên liên quan.
Cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn. Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong hợp tác giữa các quốc gia ven sông, hợp tác với các đối tác phát triển, đối tác tiềm năng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định; đổi mới trong các cơ chế huy động nguồn lực…
Cùng với đó, chủ đề Ngày nước Thế giới 22/3 của Liên Hợp Quốc năm nay là “thúc đẩy sự thay đổi” cho thấy tầm quan trọng của sự thay đổi trong ứng xử đối với tài nguyên nước đã được nhận thức rõ rệt.
"Đó là cần phải thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, thay đổi về công nghệ kỹ thuật, thay đổi về phương thức hợp tác trong khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước", ông Thành nhận định.
Lưu vực sông Mê Kông đang đứng trước nhiều thách thức to lớn trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên liên quan. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn. Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Với lưu vực sông Mê Kông, hiện nay, chỉ có 4 nước trên lưu vực là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tham gia Hiệp định Mê Kông năm 1995, là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
Tại Việt Nam, theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả.
Thực tế, tài nguyên thiên nhiên của dòng sông Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong nguồn sinh kế của hàng chục triệu người. Nhiều dòng chảy chính và phụ lưu, khai thác tài nguyên nước ngầm cũng như khai thác cát quá mức là biểu tượng gắn liền với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong khu vực sông Mê Kông. Mực nước biển dâng toàn cầu, dòng chảy bất thường, sụt lún đất, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là một trong những thách thức cấp bách nhất.
Lan Anh