Thứ sáu, 29/03/2024 05:50 (GMT+7)
    Thứ hai, 25/04/2022 16:00 (GMT+7)

    Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022

    Theo dõi KTMT trên

    Sáng nay (ngày 25/4), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022.

    Thực trạng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính

    Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2021 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức), đánh giá thực trạng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính, cảnh báo những nguy cơ bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính; từ đó đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

    Với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19", hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam; phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022. Từ đó, các chuyên gia đề xuất những khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.

    Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 - Ảnh 1
    Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Bùi Hằng)

    Theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Năm 2021 chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa từng có của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh; nhiều tỉnh, thành phố lớn phải giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.

    Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn. Vì vậy việc đánh giá tổng quan kinh tế năm 2021 cũng như thực trạng những bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển.

    Tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm mạnh ở mức 2,58%

    Đánh giá tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2021, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: Tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm mạnh ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu từ cú sốc suy thoái nặng nề trong Quý III với sự lan rộng của biến chủng Delta, đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ.

    Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 - Ảnh 2
    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Bùi Hằng)

    Bên cạnh đó, các chính sách phản ứng còn chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa các địa phương; nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã bị phong toả trong thời gian dài. Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì nhưng hiệu quả suy giảm.

    Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo và kinh tế số - những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

    Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo các chuyên gia, với tình hình dịch bệnh mới và được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%. Tuy nhiên, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu do đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh; tăng trưởng "nóng" trên thị trường bất động sản và chứng khoán…

    Từ thực tế đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các chính sách của Chính phủ cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh "sống chung với Covid-19". Trong đó, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới.

    Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động… Đặc biệt, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản.

    Liên quan đến an sinh xã hội, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, mở rộng đối tượng thụ hưởng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức.

    Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn. Vì vậy, đánh giá tổng quan kinh tế cũng như nhận diện các rủi ro bất ổn là cơ sở quan trọng để đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển sau đại dịch.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
    Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.