Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Ngày 5/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ các Hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam, Liên hiệp Hội một số tỉnh, thành phố; Đại diện một số cơ quan liên quan đến việc soạn thảo Dự án Luật và các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật BHXH năm 2014) thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 07 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng – hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay… Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Sau khi nghe báo cáo những nội dung cơ bản của Dự án Luật, các đại biểu đã góp ý kiến chi tiết, cụ thể vào những nội dung lớn, trọng tâm của Dự thảo Luật: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; Bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm; Vấn đề bảo hiểm xã hội một lần; Về chi phí quản lý BHXH; Bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (từ điều 36 đến Điều 44).
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhấn mạnh, an sinh xã hội bao gồm 3 khối chính sách lớn: chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách ưu đãi xã hội, cần phân định rõ ràng các nhóm đối tượng của từng chính sách, không áp dụng chồng lẫn, tạo sự khó khăn trong việc giải quyết chính sách.
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3), theo theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, việc mở rộng việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với bối cảnh sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động. Với 3 đối tượng: người làm việc không trọn thời gian, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người làm việc không giao kết hợp đồng hay thỏa thuận cần cân nhắc kỹ hơn khi quy định bắt buộc tham gia BHXH.
Về quy định hưởng BHXH một lần, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Luật sửa đổi nên quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật nên theo Phương án (tại điểm đ khoản 1 Điều 70): “đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm. Quy định như vậy sẽ hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. PGS.TS Đặng Văn Thanh đồng thuận với phương án giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ tác động hai chiều.
Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường & Phát triển cộng đồng, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII – Bùi Thị An, bảo hiểm xã hội liên quan mật thiết đến cuộc sống của nhân dân, an sinh xã hội - một trong ba trụ cột phát triển đất nước, do đó Luật sửa đổi cần thể hiện rõ nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng giữa người đóng và người hưởng, tách biệt an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội, đồng thời phải thể hiện được rõ tính nhân văn của Dự thảo Luật.
Theo bà Bùi Thị An, thực tế cho thấy thời gian qua con số thực tế rút bảo hiểm một lần rất nhiều, chính vì vậy cần có phương án làm sao để cuộc sống người dân bớt khó khăn hơn để hạn chế tình trạng này.
Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường & Phát triển cộng đồng Bùi Thị An hoan nghênh việc đề xuất (Điều 71) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hang tháng, đây là giải pháp rất phù hợp với nhiều chị em, phụ nữ tham gia vào các cơ quan, doanh nghiệp muộn.
Theo Phó tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng quy định “chờ sau 12 tháng” nghỉ việc mới được rút bảo hiểm xã hội một lần là phù hợp vì đây là khoảng thời gian cần thiết để người lao động cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Quy định này cũng đồng bộ, liên kết với quy định của bảo hiểm thất nghiệp...
Đối với vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, theo đánh giá chung, đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, nên có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Tuy nhiên, cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút, hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng quyền lợi hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng – Nguyễn Văn Kính đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội thảo và thông tin tới hội thảo về chính sách cho người lao động của các doanh nghiệp tại Hải Phòng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có chủ đầu tư nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Kính nhiều người lao động cũng không nắm rõ về chính sách bảo hiểm xã hội. Tại Hải Phòng hiện nay có hiện trạng xâm phạm đến quyền lợi người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, không chỉ riêng Hải Phòng, do đó cần phải có chế tài với người sử dụng lao động khi vi phạm vấn đề liên quan đên nợ, thiếu, trốn đóng thiếu bảo hiểu xã hội để có tính răn đe, không chỉ dựa vào việc vận động, tuyên truyền.
Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân nhận định, việc tách bạch an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội là rất cần thiết. Năm 2022 Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm và thực tế cho thấy nhiều người dân tích cực tham gia loại hình bảo hiểm mới.
Chúng ta cần nghiên cứu Luật Kinh doanh bảo hiểm để để tiếp tục hoàn thiện Luật BHXH. Cần xem xét mức đóng bảo hiểm xã hội đã phù hợp chưa, cũng như cần các chế tài để làm sao các doanh nghiệp không nợ bảo hiểm xã hội.
Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – Đặng Thuần Phong thông tin thêm với các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo về quá trình thực hiện Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – Đặng Thuần Phong cảm ơn các ý kiến tâm huyết, nghiên cứu sâu từ thực tiễn của các đại biểu và cho rằng những giá trị của các ý kiến tại hội thảo sẽ giúp hoàn thiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Phát biểu tại hội thảo Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Luật BHXH có ý nghĩa quan trọng.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, được chuẩn bị chu đáo của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu, những ý kiến tại hội thảo có ý nghĩa cho việc tập hợp của Liên hiệp Hội Việt Nam để trình Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng như Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).