Thứ năm, 25/04/2024 14:14 (GMT+7)
Thứ ba, 29/11/2022 05:55 (GMT+7)

Hội nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Hội nghị COP27 diễn ra trong bối cảnh Trái đất ngày càng ấm lên gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, hạn hán và mưa lớn bất thường ở khắp các châu lục trên thế giới. COP27 được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt trên.

Những con số đáng ''báo động''

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy, các hình thái thời tiết cực đoan gây tác động trên quy mô lớn như lũ lụt, bão tố trực tiếp ảnh hưởng tới hơn 500.000 người trong năm 2021. Ước tính số người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng sẽ lên tới 15.000 người vào năm 2022. 

Hội nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Năm 2022 đã chứng kiến những hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường trên khắp thế giới.

Châu Âu là khu vực ấm lên tới tốc độ nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua. Các vụ cháy rừng thảm khốc ở châu Âu vào mùa hè năm 2021 đã thải ra lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí và cướp đi mạng sống hàng triệu người.

Trong khi đó, châu Phi - khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu: Lượng phát thải ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đây lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn, biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước tới 70 tỷ USD. Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Khoảng 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt trong giai đoạn 2010 - 2022. Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng khi Trái đất nóng lên, đe dọa nguồn cung lương thực, kinh tế và y tế của khu vực. Các quốc đảo và quốc gia ven biển của châu Phi, với 116 triệu người sinh sống, sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng.

Theo một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet, số ca tử vong liên quan tới nắng nóng đã tăng 68% trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021 so với giai đoạn từ năm 2000 - 2004. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn cũng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn đến sản lượng mùa màng. Số người rơi vào cảnh thiếu lương thực trong năm 2020 ước tính đã tăng lên 98 triệu người ở 103 quốc gia so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 1981 đến 2010.

Các nước nghèo đòi bồi thường tài chính khí hậu

“Tài chính khí hậu” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất tại COP27 và cũng là lần đầu tiên trong chương trình nghị sự chính thức của COP có một đề mục riêng về vấn đề này.

Hội nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Máy bay cứu hỏa làm nhiệm vụ ở Tây Ban Nha giữa lúc đất nước trải qua những ngày nắng nóng gay gắt (Ảnh: Reuters)

Trong báo cáo mang tên “Tài trợ cho Hành động Khí hậu” công bố tại COP27 nêu rõ: Các nước đang phát triển và mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Các nước phát triển, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển nên đóng góp số tiền còn lại - khoảng 1.400 tỷ USD. 

Thực tế cho thấy các quốc gia giàu có hiện vẫn chưa thực hiện cam kết hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển lên 100 tỷ USD/năm, mặc dù Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) ước tính rằng chi phí để thích ứng với biến đổi khí hậu có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2050 nếu tình trạng Trái đất ấm lên tiếp diễn.

Hội nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Pakistan đã trải qua nạn lụt kinh hoàng trong năm 2022. (Ảnh: Reuters)

Biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến những quốc gia dễ bị tổn thương và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa những nỗ lực thích ứng với tình trạng này, trong khi nguồn quỹ để hỗ trợ các nước đang thiếu trầm trọng. Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), khoản tài trợ hiện nay dành cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu hiện thấp hơn từ 5 - 10 lần so với mức cần thiết.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) năm ngoái, các nước phát triển đã nhất trí tăng tài trợ lên 40 tỷ USD/năm vào năm 2025 để giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc cho rằng: Tại COP27, các nước phải đưa ra một lộ trình đáng tin cậy với các cột mốc rõ ràng để thực hiện điều này và tốt nhất là dưới hình thức tài trợ, chứ không phải cho vay.

Các quốc gia trên thế giới cần “biến lời nói thành hành động”

Tháng 11/2021, tại COP26 tổ chức ở Glasgow (Vương quốc Anh), các nước tham dự đã thống nhất quan điểm rằng: “Thế giới đang đối mặt với thập kỷ quan trọng, đòi hỏi có những hành động thiết thực và thực hiện các cam kết đã đưa ra”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, dù có đến hơn 90% nền kinh tế toàn cầu đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, các quốc gia đã có những hành động cụ thể và có những kết quả nhất định nhưng việc thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vẫn chưa đạt được. Chính vì vậy, với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động”, COP27 được coi là Hội nghị của hành động sau những cam kết từ COP26.

Tại Hội nghị COP27, ông Simon Stiell - tân Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh: “Ở Sharm El-Sheikh, chúng ta có nhiệm vụ đẩy nhanh các nỗ lực quốc tế của mình để biến lời nói thành hành động”.

Phát biểu trước các đại biểu tham dự COP27, ông Simon Stiell cho rằng: Các nhà lãnh đạo - dù là Tổng thống, Thủ tướng hay các Tổng Giám đốc doanh nghiệp đều sẽ phải chịu trách nhiệm về những lời hứa mà họ đã đưa ra vào năm ngoái tại COP26. Do đó, Thư ký điều hành UNFCCC đã vạch ra 3 hướng hành động chính cho Hội nghị COP27, gồm: Thể hiện một động thái hướng tới việc thực hiện bằng cách biến các cuộc đàm phán thành các hành động cụ thể; Thúc đẩy tiến độ đối với các dòng công việc quan trọng - giảm thiểu, thích ứng, đầu tư tài chính và quan trọng nhất là tổn thất và thiệt hại; Cải thiện việc thực hiện các nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình trong suốt quá trình.

Trong đó, Thư ký điều hành UNFCCC đánh giá cao các kế hoạch chi tiết về cách thức mà các bên tham dự COP27 thực hiện những gì đã hứa. Ông Simon Stiell cho biết : Hiện có 29 quốc gia đã đệ trình các kế hoạch khí hậu quốc gia được củng cố kể từ COP26, thêm 5 quốc gia nữa kể từ khi công bố báo cáo tổng hợp của UNFCCC về những đóng góp xác định ở cấp quốc gia vào tuần trước, nhưng vẫn không chiếm đa số. Vì vậy, Thư ký điều hành UNFCCC lưu ý “170 quốc gia cần xem xét lại và tăng cường các cam kết quốc gia của họ trong năm nay".

Ngoài ra, WHO cũng kêu gọi các nước trên thế giới cần ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh hơn và rõ ràng hơn bởi những ứng phó hiện nay quá chậm và không nhất quán một cách nguy hiểm; các nước tham dự COP27 cần hành động nhanh chóng và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo cảnh báo của WHO, điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu không thể đảo ngược tại khu vực châu Âu nói riêng và trên cả Trái đất nói chung.

Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết khí hậu tại COP27

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ như đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu…

Hội nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 4
Hội nghị khí hậu toàn cầu năm 2022 - COP27 được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Getty)

Ngay sau đó, Việt Nam đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và ban hành các kế hoạch hành động như Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Tại COP27, Việt Nam cũng đang nỗ lực xúc tiến hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển đổi phát thải carbon thấp nhằm hiện thực hóa các cam kết đã đưa ra. Cụ thể, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có các buổi làm việc về thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam…

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam không chỉ hình thành thị trường carbon mà sẽ tiến tới xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác. Vì vậy, tại buổi làm việc với Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore ngày 7/11 vừa qua, Việt Nam đã đề nghị phía Singapore hỗ trợ để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách hình thành thị trường tín chỉ carbon, sau đó là thiết chế để quản trị.

Ngày 8/11, bên lề Hội nghị COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã ký kết cùng Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải carbon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo Bản ghi nhớ này, trong vòng 5 năm tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường và AFD sẽ cùng phát triển một chương trình nghiên cứu, nhằm đóng góp cho các chính sách công trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. AFD cũng sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường về điều phối thực hiện các chương trình giảm phát thải, hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển một mô hình quản lý tổng hợp lưu vực phù hợp, trong bối cảnh tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu ở Việt Nam…

Cùng với nỗ lực của Chính phủ, trong xu thế phát triển bền vững, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang ngày càng quan tâm đến phát thải thấp, đầu tư công nghệ, cải thiện quy trình để từng bước giảm dấu chân carbon, cân bằng các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Ngày càng nhiều doanh nghiệp hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi sản xuất xanh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà còn góp phần rất lớn cho lộ trình hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.

Năm 2020, số tiền mà các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu là 83 tỷ USD, thấp hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm. Trong số này, chỉ có 29 tỷ USD chi cho các chương trình hỗ trợ các nước thích ứng với biến đổi khí hậu, thấp hơn nhiều so với khoản tiền 340 tỷ USD/năm ước tính cần đạt được vào năm 2030. UNEP đã điều chỉnh tăng khoản tài trợ cần thiết cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu so với cách đây một năm, từ 160 tỷ USD lên 340 tỷ USD vào năm 2030 và từ 315 tỷ USD lên 565 tỷ USD vào năm 2050.

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị COP27: Thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.