Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP.Hà Nội tham quan chuỗi di tích tại quận Bắc Từ Liêm
Sáng 20/1, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã tổ chức Chương trình tham quan chuỗi di tích lịch sử trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Tham dự Chương trình có ngài Subhash P.Gupta - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cùng phu nhân; TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda; bà Phan Lan Tú - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội (Trưởng đoàn); ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; cùng nhiều đại biểu, khách mời.
Điểm đến của đoàn là Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - một công trình kiến trúc đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Đình Chèm thờ Ðức Thánh Chèm tên là Lý Thân, tức Lý Ông Trọng, được lưu truyền là nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt, là người đỗ Hiếu Liêm đầu tiên (tiến sĩ), đồng thời cũng là Lưỡng quốc tướng quân đầu tiên của nước ta.
Theo cụ thủ từ Lê Văn Hiệu, Lý Ông Trọng sinh thời Hùng Vương thứ 18, làm quan thời Hùng Vương và thời Thục Phán An Dương Vương. Không chỉ có công đánh giặc, giữ nước cả hai triều đại, Lý Ông Trọng còn giúp vua Tần dẹp giặc Hung Nô và được gả công chúa Bạch Tinh Cung, chính vì vậy ông được phong Lưỡng quốc tướng quân. Hiện, trong đình còn treo vế đối "Văn giỏi - Võ tài - Phò tá ba Vua".
Theo các cụ cao tuổi trong vùng, đình Chèm có lịch sử hơn 2300 năm, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mới có diện mạo đẹp và hoàn thiện như ngày nay. Khác với phần lớn ngôi đình ở Việt Nam, đây là ngôi đình hiếm hoi quay mặt hướng Bắc.
Ðình Chèm có hai đơn nguyên chính, mỗi đơn nguyên có sáu cụm, đồng thời các cụm nối với nhau thành trục hoàng đạo. Ðình xây dựng theo kiến trúc "nội công, ngoại quốc", gồm: Nghi môn ngoại, nghi môn nội, hai nhà tả mạc, nhà tiền tế tám mái, hai tòa đại bái, hậu cung và thượng cung.
Nét đặc sắc trong kiến trúc đình Chèm là nghệ thuật chạm trổ hoa văn như: chạm nổi, chạm bong, chạm thủy với chủ đề xuyên suốt trong nghệ thuật chạm khắc chính là tứ linh, đan xen có rồng cuốn thủy, cá vượt vũ môn. Ðặc biệt, gian giữa nhà đại bái các nét chạm trổ không theo đăng đối.
Hiện nay, ở đình Chèm lưu giữ chiếc lư hương nghìn năm tuổi rất quý hiếm, nhiều hình chạm khắc gỗ mang phong cách thế kỷ 18. Nơi này cũng lưu giữ nhiều tư liệu cổ ghi công ơn của Lý Ông Trọng như: Ba sắc phong do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng, cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn, 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ, bốn tấm bia đá thời Lê Cảnh Hưng và thời Nguyễn...
Sau khi tham quan Đình Chèm, đoàn đại biểu của Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã ghé thăm Đình Vẽ hay Đình Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội).
Đình Vẽ được xây dựng trên một thế đất, đắc địa ở phía Bắc của làng, trước mặt có một hồ sen lớn. Khác với những ngôi đình khác chỉ thờ một Thành hoàng làng, Đình Vẽ thờ ba vị phúc thần gồm: Thần Độc Cước (cũng là vị thần được thờ ở đền Độc Cước, Sầm Sơn, Thanh Hoá); Lê Khôi, cháu gọi Lê Thái Tổ là chú ruột, có công phò vua Lê trong cuộc chiến chống quân Minh (1418-1427) và Thổ thần.
Toàn bộ khuôn viên của Đình Vẽ được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng.
Qua cổng tam quan nội đến khoảng sân rộng của đình, hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian. Đại đình có bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm chín gian, tượng trưng cho đỉnh đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian, tượng trưng cho cổ rồng.
Tất cả được sắp xếp trong một không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tòa đại bái có hai nếp nhà xếp hình chữ "Nhị". Nếp nhà ngoài có mái lợp ngói mũi hài cổ. Nếp nhà phía trong được nối với với nếp nhà ngoài và bày kiệu rước, long đình, nhang án, sập thờ.
Tại Đình Vẽ cũng lưu giữ biểu tượng người cầm bút và cầm vòng lửa tượng trưng cho truyền thống văn hiến và khoa cử. Tất cả đều sơn son thếp vàng rực rỡ. Tính từ khi cụ Phan Phu Tiên khai khoa cho làng, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tý năm 1396 dưới triều Vua Trần Thuận Tông, đến thời Nguyễn, làng Ðông Ngạc đã có 25 người đỗ đại khoa. Bởi vậy, Đông Ngạc được người đời gọi là làng khoa bảng.
Sau khi tham quan Đình Vẽ, đoàn đại biểu có dịp ghé qua nhà thờ họ Đỗ, nhà thờ họ Hoàng, và nhà thờ họ Phan (thuộc làng Đông Ngạc). Đây là những dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt, lập nhiều công trạng hiển hách.
Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là Đình Thượng Cát và chùa Kỳ Vũ (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Đình Thượng Cát và chùa Kỳ Vũ được xây dựng trên khu đất rộng, tách biệt với khu dân cư của làng. Đình, chùa quay hướng đông, trông ra hồ nước rộng. Đình ở phía trước chùa, ở phía sau tạo ra kiểu "tiền Thần hậu Phật".
Đình Thượng Cát là nơi tưởng niệm 3 nhân vật quan trọng và có công lớn trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là Quách Lãng, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương.
Đình có quy mô kiến trúc lớn, bao gồm đại đình, hai dãy tả hữu vu ôm lấy sân gạch vuông là Tam quan phía trước. Cổng Tam quan xây gạch dạng 4 trụ biểu, lối vào giữa hai cột được làm bốn mái nhỏ khá cầu kỳ, các góc đao uốn cong, bờ nóc đắp cao hình chữ công, giữa có hàng hoa chanh thủng. Chính giữa nóc cổng chính đắp hình hổ phù ngậm vành trăng. Các trụ biểu ở trên đỉnh đắp hình 4 con chim phượng chụm đuôi, dưới hình phượng có 4 đầu rồng nhô ra ở góc trụ, bốn ô lồng phía dưới trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng). Đại đình có quy mô lớn hình chữ "nhật" dài 29,4m; rộng 13,6m. Nhà làm kiểu 4 mái với các đầu đao uốn cong. Đình lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi đề tài "lưỡng long chầu nguyệt".
Trang trí đình Thượng Cát rất phong phú, những bộ vì bên các rường, kẻ, xà được chạm nổi, bong kênh các hình văn thực vật, vân mây, rồng lá, long mã với phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Đặc biệt là hai bộ vì giữa vẫn bảo tồn nguyên vẹn những mảng trang trí của thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII.
Cung cấm đơn giản làm ván bưng hai mặt bên, phía trước có cửa bức bàn, trên cửa treo một vòm lớn, trong cung đặt long ngai, bài vị thành hoàng làng.
Chùa Kỳ Vũ có quy mô kiến trúc lớn với nhiều lớp nhà ngang dọc tạo thành, chùa chính nằm phía trước, gác chuông và nhà Tổ phía sau. Khép kín không gian của chùa là 2 dãy hành lang nằm song song để nối tiền đường với nhà Tổ. Chùa chính có kết cấu hình chữ "công" gồm có Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện.
Chùa sở hữu 51 pho tượng có giá trị mỹ thuật cao, các pho tượng được gia công tỉ mỉ, công phu. Nổi bật là các pho tượng mang phong cách thế kỷ XVII, XVIII như Tam thế, A Di Đà, Di Lặc, Tứ Bồ Tát, Quan Âm nam hải, công chúa họ Lê. Hơn 50 pho tượng còn lưu giữ đã biến ngôi chùa thành phòng trưng bày có giá trị về nghệ thuật điêu khắc Việt Nam ở hai thời kỳ Lê - Nguyễn.
Chia sẻ trong chuyến tham quan, ngài Subhash P.Gupta - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bô lão, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã dành thời gian tiếp đón và cung cấp những thông tin bổ ích về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Bắc Từ Liêm nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Trước đây, tôi được biết đến hai vị danh tướng thời phong kiến là Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, sau khi tham quan Đình Chèm, tôi đã biết thêm một vị danh tướng khác là Lý Ông Trọng. Qua cách làm lễ tại các đình chùa trong chuyến tham quan này, tôi được hiểu thêm về văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt. Và rõ ràng, mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, song văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ có nhiều nét tương đồng", ngài Gupta nói.
Ngài Phó Đại sứ cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã tổ chức chuyến đi đầy ý nghĩa. Thông qua hoạt động giúp tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ hội giao lưu gặp gỡ giữa hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội và cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ, Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda.
Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyến tham quan của đoàn:
PV