Học trên truyền hình cần thái độ nghiêm túc để mang lại hiệu quả
Ngày đầu tiên phát sóng, chương trình dạy học trên truyền hình do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Hà Nội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo học sinh và cha mẹ học sinh.
Chương trình dạy học trên truyền hình bắt đầu từ 9h15 hằng ngày. |
Trước tình hình Hà Nội trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, ngay từ sáng 9/3, hàng trăm nghìn học sinh khối 9 và 12 đã bắt đầu học buổi học đầu tiên trên truyền hình.
Theo kế hoạch phối hợp, thời gian phát sóng các môn học của lớp 9 bắt đầu từ 9h15, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Thời lượng phát sóng của mỗi buổi khoảng 40 phút. Như vậy, học sinh lớp 9 có thể được học mỗi môn 2 buổi/tuần.
Còn với lớp 12, chương trình được phát sóng trong 3 khung giờ 14h30, 15h15 và 16h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.
Ông Kiều Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Toàn bộ bài giảng trên truyền hình là những bài giảng mới, được xây dựng tiếp nối với các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Để thực hiện chương trình này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 50 cán bộ, giáo viên các trường THCS, THPT khẩn trương xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng bảo đảm các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên tham gia dạy học là những giáo viên dạy giỏi của các trường học trên địa bàn Hà Nội. |
Trước mắt, Sở ưu tiên xây dựng các bài giảng trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 nhằm giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 và kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Qua bài giảng đầu tiên của cô Quang Thị Hoàn, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Đống Đa, học sinh khối 9 có dịp hệ thống lại những kiến thức đã học, giúp các em bắt nhịp với bài giảng mới sau thời gian dài không đến trường.
Cô Hoàn chia sẻ, dạy học trên truyền hình, giáo viên phải dùng phương pháp độc thoại, coi như học sinh đang đứng trước mặt và giảng. Vì không có sự tương tác với học sinh nên sự chuẩn bị phải kỹ lưỡng hơn, đầy đủ và giải thích chi tiết hơn so với việc học trên lớp.
Còn học sinh khối 12, các em được ôn tập các bài giảng Tiếng Anh của cô Đặng Huyền Trang, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam; bài giảng Ngữ văn của cô Nguyễn Hương Thủy, giáo viên trường THPT Chu Văn An; bài giảng môn Hóa học do thầy Đào Hữu Toàn, giáo viên trường THPT Chu Văn An đảm nhiệm. Đây là những thầy cô nổi tiếng, dạy giỏi của các trường học trên địa bàn Hà Nội.
Với quyết tâm cả thành phố đồng lòng chống dịch Covid-19, nên hình thức này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Việc ôn thi trên truyền hình tuy là hình thức không mới, nhưng đây là lần học trên truyền hình được đông đảo học sinh cùng tham gia, với các bài giảng rất gần gũi và dễ hiểu, giúp chúng em tận dụng tối đa thời gian khi chưa thể quay trở lại trường học tập bình thường.
Em Phạm Tô Lâm Phong theo dõi lại bài học trên fanpage của Thời sự Truyền hình Hà Nội. (Ảnh: Duyên Lê) |
Em Nguyễn Quốc Hưng, học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: Đây là một phương án tốt bởi trong tình hình dịch thế này, học sinh không thể đến trường, trong khi kỳ thi sắp tới gần, học sinh ở nhà cũng rất sốt ruột. Bởi vậy, biết tin dạy học qua truyền hình, em đã bật sẵn tivi và chuẩn bị đầy đủ sách vở như một buổi học trên lớp.
Để không bỏ lỡ bất kỳ buổi học nào, Phạm Tô Lâm Phong ở Trung Hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân đã tận dụng các thiết bị điện tử sẵn có để theo dõi. Với em, càng có nhiều hình thức dạy học, việc học tập của học sinh càng thuận lợi hơn, nhất là trong kỳ nghỉ dài ngày này.
Phạm Tô Lâm Phong cho biết, hình thức này không có sự tương tác như học trực tiếp trên lớp, nhiều bạn tham gia lớp học thái độ thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên, với những người biết khai thác hết thế mạnh của công nghệ, thì học qua fanpage của Thời sự Truyền hình Hà Nội lại là thế mạnh, bởi ở đó có thể xem lại hay học lại những chỗ nào mình chưa hiểu bất cứ thời gian nào. Do đó, Phong thấy khá thoải mái với hình thức học này.
Thầy Đào Hữu Toàn, giáo viên Trường THPT Chu Văn An cho biết: Học trên truyền hình thì có một cái khó hơn học livestream (học trực tuyến), tức là khi học sinh thắc mắc, gần như không có sự giải đáp. Nhưng học sinh yên tâm khi học trên truyền hình, các thầy cô biết điều đó nên đã có sự chuẩn bị kỹ, biên soạn cho phù hợp. Với sự hướng dẫn chi tiết đó, học sinh có thể hiểu được nhiều lượng kiến thức trong bài học của mình.
Lịch học trực tuyến của một số tỉnh, thành trên cả nước |
“Để tham gia bài giảng này, học sinh phải có sự chuẩn bị bài học trước và cả tâm thế bởi khi học ở nhà một mình, các con phải thật sự quyết tâm, tập trung để có thể theo dõi trọn vẹn chương trình”, thầy Nguyễn Như Tùng, Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ.
Bên cạnh việc dạy theo khung giờ cố định, học sinh còn được xem lại các chương trình bài giảng qua website, kênh Youtube, kênh Facebook, ứng dụng HanoiClix của Đài truyền hình Hà Nội và tương tác qua các buổi livestream trên trang facebook, giúp các em hào hứng hơn trong bài học.
Có thể thấy, việc dạy học qua truyền hình được xem là giải pháp hiệu quả trong mùa dịch. Tất nhiên, hình thức nào cũng có ưu và nhược điểm, nhưng đây là nỗ lực của ngành Giáo dục với mục tiêu tất cả vì học sinh. Do đó, để hình thức này thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ cần có sự nỗ lực của các thầy cô giáo và đội ngũ những người sản xuất chương trình, mà rất cần sự đồng lòng, học tập với thái độ nghiêm túc của học sinh.
Nghỉ học vì Covid-19: Kỳ thi THPT quốc gia 2020 có gì thay đổi? |
Khánh Hà