Hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Mệnh lệnh của cuộc sống
Thời gian qua, để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã khẩn trương huy động “tổng lực” cho việc lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, qua đó tổng hợp phân tích tiếp thu nhằm nâng cao chất lượng Dự thảo Luật.
Sửa đổi là tất yếu
Sau hơn 30 năm đi vào cuộc sống với 5 lần sửa đổi, gần nhất là năm 2013, Luật Đất đai đã thể hiện rõ vai trò trong tiến trình phát triển của đất nước, là bước ngoặt quan trọng giúp khơi thông nguồn lực đất đai; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và ổn định xã hội.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân gồm 16 chương, 236 điều, trong đó tăng 3 mục (Mục 1, Chương VII và Mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều.
Theo Tờ trình của Chính phủ, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…
Trong 5 nguyên nhân của 7 tồn tại, hạn chế về quản lý, sử dụng đất đai Chính phủ nêu ra, chỉ có một nguyên nhân khách quan là do quan hệ quản lý đất đai có tính lịch sử, phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ điều chỉnh nên có những vấn đề khó khăn kéo dài; 4 nguyên nhân còn lại đều là nguyên nhân chủ quan, do quy định của Luật thiếu cụ thể, không sát thực tế, không bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật có liên quan và việc tổ chức thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, kết quả thanh tra về thi hành Luật Đất đai trong giai đoạn 2013 - 2020 cho thấy đã xảy ra hàng nghìn vụ vi phạm quy định của pháp luật về đất đai làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, hàng chục nghìn héc ta đất bị cấp, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng trái thẩm quyền và nhiều hành vi sai phạm khác. Hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đất đai lúc này thực sự là mệnh lệnh của cuộc sống.
Khắc phục tồn tại, phát huy nguồn lực
Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Mục đích của việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Sau khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới… Thời gian lấy ý kiến từ 3/1 - 15/3/2023.
Đánh giá kết quả việc lấy ý kiến nhân dân tại tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào ngày 6/4, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.
Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có hơn 11,6 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào Dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính đất đai, giá đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chế độ sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vào ngày 10/4 về việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương, tập trung nguồn lực, triển khai tích cực, hiệu quả việc tổng hợp lấy ý kiến nhân dân và chuẩn bị, hoàn thiện dự án Luật, tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng nêu rõ, cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của nhân dân về dự án Luật, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn hiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề, tiếp thu theo tinh thần không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần; các vấn đề giải trình cần có căn cứ xác đáng, lập luận thuyết phục.
Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật cần quán triệt nguyên tắc phát huy tối đa các nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát phù hợp, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ rõ ràng, kết hợp với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục rà soát các quy định của Dự thảo Luật này với các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, không để có khoảng trống pháp lý và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần tham khảo, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, đặc thù của đất nước.
Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai:
Cần bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, tôi thấy rằng, Dự thảo đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV để chỉnh lý vào Dự thảo Luật. Đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm bao phủ rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến nhiều luật khác nhau nên cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới.
Theo tôi, tại Điều 12 của Dự thảo Luật quy định về những hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan quản lý nhà nước được quy định 13 nhóm hành vi như vậy là chưa đủ và chưa đảm bảo được các hành vi sai phạm có thể xảy ra trong thực tiễn như: lợi dụng thực thi công vụ để thu vén cá nhân, lợi ích nhóm, lợi dụng dịch vụ công để trục lợi... Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, không để kẽ hở, khoảng trống mà các tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất được thể hiện tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Dự thảo Luật với 13 nhóm trách nhiệm. Qua xem xét, tôi thấy các nhóm trách nhiệm như trên là chưa đảm bảo đầy đủ theo chức năng quản lý nhà nước về đất đai của cơ quan Nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong việc đăng ký, đo đạc, làm thủ tục hồ sơ đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn do trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng nông thôn còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận với pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai còn gặp nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể của cơ quan Nhà nước...
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An:
Cần bổ sung các quy định liên quan tới môi trường
Trong Dự thảo Luật có 22 điều khoản quy định nội dung liên quan đến môi trường thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm quy định liên quan đến môi trường cho 4 nội dung quan trọng sau: Một là, đối với nội dung sử dụng đất nông nghiệp, tại các Điều 174, 175, 176 và 178 cần rà soát, xem xét lại quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để ngăn chặn việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất trong thời gian qua.
Hai là, đối với đất chưa sử dụng, đề nghị cần có thêm quy định duy trì, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đất không bị suy giảm.
Ba là, đối với quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại Điều 77. Trong 8 trường hợp thu hồi đất đai do vi phạm pháp luật về đất đai, tôi nhận thấy chưa có quy định nào liên quan đến thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường. Vì vậy, tôi đề nghị rà soát, bổ sung quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.
Bốn là, đối với mối quan hệ giữa giá đất và chất lượng môi trường, tôi nhận thấy giá đất chịu sự chi phối rất lớn của chất lượng môi trường. Quan hệ này có thể được hiểu nếu như chất lượng môi trường tốt thì giá rất cao và ngược lại. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định nội dung này trong điểm d khoản 2 Điều 154 của Dự thảo Luật.
Về đất sử dụng đa mục đích tại Điều 210 là quy định mới so với Luật Đất đai năm 2013 và thực tiễn trong thời gian qua đã có nhiều dự án xây dựng công trình, trong đó được sử dụng đất đa mục đích. Tuy nhiên, việc xây dựng, đầu tư xây dựng trên đất hỗn hợp rất đa dạng, thường do chủ đầu tư đề xuất, gây khó khăn trong quản lý, gây áp lực với quy mô dân số, hạ tầng kinh tế - xã hội và gây áp lực về giao thông. Việc quy định đất cùng một lúc có quá nhiều mục đích sử dụng cũng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai nói chung và thực hiện nghĩa vụ tài chính nói riêng.
Do đó cần có quy định bổ sung để khống chế số lượng chức năng sử dụng, quy định cụ thể hơn về mục đích sử dụng đất chính. bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định nghĩa vụ tài chính…
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên:
Đề xuất dự án sử dụng đất trên 100ha phải do Nhà nước thu hồi
Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Dự thảo đã có nhiều chỉnh lý, hoàn thiện hơn nhiều so với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV...
Về cơ chế thu hồi đất trong Dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ.
Để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi, do đó kiến nghị cần phải xác định rõ quy mô sử dụng đất của các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ.
Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, tôi cho rằng, những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên nên để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Còn nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này, thỏa thuận phải theo khuôn khổ pháp luật quy định và khi không thỏa thuận được thì phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Bởi, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc Hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.