Thứ sáu, 26/04/2024 04:10 (GMT+7)
Thứ ba, 23/06/2020 16:33 (GMT+7)

Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: EVN yêu cầu kỷ luật giám đốc đơn vị ghi sai chỉ số

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ.

Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: EVN yêu cầu kỷ luật giám đốc đơn vị ghi sai chỉ số - Ảnh 1
EVN phúc tra cho khách hàng có sản lượng điện tăng đột biến từ 1,3 lần. (Ảnh minh họa)

Ngày 23/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ngay sau khi cơ quan báo chí phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…, EVN đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.

EVN cũng yêu cầu các Tổng công ty Điện lực thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng).

Phía EVN cũng cho sẽ lập đoàn kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng vọt vừa qua. Đoàn công tác sẽ gồm các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Động thái này diễn ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ hôm 22/6. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện. Nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm.

Bất kỳ phản ánh nào của khách hàng về việc tiền điện tăng cao được phản ánh trực tiếp về các Tổng đài Chăm sóc khách hàng của 05 Tổng Công ty Điện lực, các đơn vị Điện lực sẽ phải thực hiện việc giải đáp trong vòng 24h.

Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: EVN yêu cầu kỷ luật giám đốc đơn vị ghi sai chỉ số - Ảnh 2Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: Đình chỉ công tác Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn

Trước đó, khách hàng tại Quảng Ninh đã gặp phải tình trạng hoá đơn điện bị ghi sai chỉ số khiến số tiền phải trả lên tới 89.350.496 đồng. Trong khi thông thường, bình quân mỗi tháng gia đình này chỉ sử dụng khoảng 200 số điện/tháng.

Qua kiểm tra, rà soát, Công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ. Cụ thể: Công tơ đo đếm điện năng của gia đình bà Gái là công tơ điện tử đo xa, chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay HHU. Do thời tiết ngày 15/6/2020 có mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.

Công ty Điện lực Quảng Ninh sau đó đã yêu cầu Điện lực Vân Đồn tạm thời đình chỉ công tác Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn và kiểm điểm nghiêm khắc tập thể và các cá nhân có liên quan.

Vụ việc tương tự mới đây cũng xảy ra ở Quảng Bình. Gia đình anh Trần Việt Dũng (trú ở tỉnh Quảng Bình) hoảng hốt khi nhận được hóa đơn tiền điện với mức tiêu thụ điện trong tháng 6 là 18.274 kWh, tính ra thành tiền là gần 58,5 triệu đồng. Trong khi đó, tháng trước đó, gia đình anh chỉ tiêu thụ mức 248 kWh, với tổng tiền là 489.000 đồng.

Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình sau đó đã thừa nhận sai sót và cho biết sẽ đến tận nhà xin lỗi khách hàng Trần Việt Dũng về sự cố ghi nhầm.

EVN cũng khẳng định công tơ điện đang lắp đặt cho khách hàng được kiểm định đạt tiêu chuẩn của Bộ Khoa học & Công nghệ. Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục công khai thông báo lịch ghi chỉ số qua email, ứng dụng (App) chăm sóc khách hàng... để người dùng điện chủ động theo dõi, giám sát.

Việc hoá đơn tiền điện tăng cao nhiều ngày qua, theo giải thích của ngành điện, nắng nóng tăng cao khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, điều hoà tăng, dẫn tới lượng tiêu thụ điện năng tăng.

Chẳng hạn với điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, lượng điện tiêu thụ của điều hoà vẫn tăng nếu thời gian sử dụng không đổi, nhưng nhiệt độ môi trường tăng và trong phòng không đổi.

Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: EVN yêu cầu kỷ luật giám đốc đơn vị ghi sai chỉ số - Ảnh 3Khách hàng bị tính nhầm tiền điện... gần 90 triệu: 'Do bụi bẩn nên máy đọc không chuẩn'

Tiền điện của hơn 7 triệu khách hàng tăng vọt trong tháng 6

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020. Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Quang Trung

Bạn đang đọc bài viết Hóa đơn tiền điện tăng ‘sốc’: EVN yêu cầu kỷ luật giám đốc đơn vị ghi sai chỉ số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới