Hoá đơn điện tăng vọt: Nắng nóng hay biểu giá điện lũy tiến là 'thủ phạm'?
Những ngày qua, nhiều hộ gia đình tại miền Bắc phản ánh với báo chí tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp 2 - 4 lần tháng trước, dù đã được "hỗ trợ vì Covid-19".
Lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh, cao kỷ lục trong lịch sử. (Ảnh minh họa) |
Nhận hoá đơn tháng 6 với số tiền điện tăng "chóng mặt", chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tháng vừa rồi gia đình tôi tiêu thụ hơn 1.000 kWh, hóa đơn 3,2 triệu đồng dù cả nhà đều đi làm và đi học hết. Trong khi tháng trước hầu hết thành viên trong gia đình đều ở nhà giãn cách xã hội vì Covid-19 thì hóa đơn chỉ hơn 1 triệu đồng".
Tương tự, chị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phản ánh, tiền điện tháng 6 đã tăng hơn 3 lần so với tháng trước dù đã được giảm 10% trên tổng hóa đơn tiền điện. Cụ thể, tháng trước, hoá đơn tiền điện của gia đình là 1 triệu đồng thì tháng này lên trên 4,5 triệu đồng.
Không riêng tại Hà Nội, hoá đơn tiền điện tháng 6 nhiều hộ gia đình tại các tỉnh, thành phố khác khu vực phía Bắc cũng tăng cao so với tháng trước.
Do nắng nóng và cách tính biểu giá điện luỹ tiến
Liên quan đến thông tin khách hàng phản ánh tiền sử dụng điện tăng bất thường trong tháng 5/2020, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, đã nhận được phản ánh từ một số khách hàng.
Đại diện EVN Hà Nội cho biết, trong tháng 5, Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng vào ngày 20 và 21. Khi đó, lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày). Như vậy, mức tiêu thụ bình quân của một hộ gia đình ở Hà Nội tăng khoảng 45% so với tháng 4.
Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Tuy nhiên, do hiệu ứng nhà kính và các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.
Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. EVN Hà Nội cho biết đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay ở Hà Nội. Tính đến ngày 12/6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày tại Hà Nội là 80 triệu kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.
Cũng theo đại diện ENV Hà Nội, nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó thì sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô trong tháng 6 đã tăng rất cao. Cụ thể, tính đến ngày 12/6/2020, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 80,082 triệu kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.
Như vậy, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ 1/6 đến 12/6/2020). Do đó, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5/2020 đến ngày 15/6/2020 thì hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp 3 là điều rất có thể xảy ra. Bởi nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ. Đây là "thủ phạm" chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao.
Ông Nguyễn Trọng Phụng - Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, việc ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng đều có sự giám sát của khách hàng. Tổng công ty xử lý nghiêm những trường hợp ghi sai, ghi không đúng số tiêu thụ.
Nguyên nhân khác khiến hóa đơn tiền điện cao là cách tính biểu giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay, khiến khách hàng dùng điện càng nhiều, tiền điện phải trả càng cao.
Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Do đó, lượng điện sử dụng càng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.
Hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau: Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50, tính 1.678 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51 - 100, được tính 1.734 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101 - 200, được tính 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201 - 300, được tính 2.536 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301 - 400 được tính 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927 đồng/kWh. |
Biểu giá điện 6 bậc như hiện nay bộc lộ nhiều khuyết điểm
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ mới đây đã khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành điện nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang đối với các khách hàng dùng điện sinh hoạt, phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Trả lời VOV, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: "Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang 6 bậc hiện nay vẫn có những ưu điểm nhất định, nhưng để đáp ứng với tình hình mới thì biểu giá đã bộc lộ khá nhiều khuyết điểm.
Cụ thể, biểu giá điện nhiều bậc đang gây ra những khó khăn nhất định cho việc quản lý của ngành điện, trong theo dõi giám sát của khách hàng sử dụng điện. Hơn nữa, biểu giá điện không phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay, do tỉ trọng số hộ dùng điện gắn với tỉ trọng tiêu thụ điện của từng bậc đã có sự dịch chuyển.
Thực tế qua các năm có thể thấy, các hộ dùng điện ở các bậc thấp đã giảm đi, các hộ dùng điện ở các bậc phổ biến trong xã hội và bậc cao tăng lên. Ví dụ, số hộ tiêu thụ điện dưới 50 kWh/tháng trong năm 2014 chiếm 21,79% trên tổng số hộ dùng điện, thì năm 2017 đã giảm xuống còn 17% và năm 2018 giảm còn 15,17%. Trong khi đó, số hộ tiêu thụ điện từ 300 kWh/tháng trở lên năm 2014 chỉ chiếm tỉ lệ 8,63% thì năm 2018 đã nâng tỉ lệ lên 10,69%.
Bên cạnh đó, khoảng chênh lệch về lượng và giá giữa các bậc thang (giãn cách bậc) như hiện nay là không hợp lý. tỉ lệ giá bán lẻ của từng bậc thang so với giá bán lẻ điện bình quân chưa phù hợp, dẫn đến có những thời điểm (tháng 3/2019 khi giá điện được điều chỉnh) nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, làm cho người tiêu dùng phải trả thêm nhiều tiền hơn, do tốc độ tăng tiền điện phải thanh toán nhanh và cao hơn tốc độ tăng của lượng điện tiêu thụ.
Đây là nguyên nhân chính gây ra bức xúc trong xã hội của đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, vì số lượng điện tiêu thụ nhiều hơn thường bị “nhảy vào” bậc 3 có giá cao hơn bậc 2 là 16,5% và bậc 4 có giá cao hơn bậc 3 là 25,91%. Vì vậy, nhiều hộ sử dụng điện sẽ phải trả giá điện bình quân từ 2.000 đến trên 2.000 đồng/kWh, mà không phải với giá 1.844,44 đồng/kWh sau đợt điều chỉnh tháng 3 tăng bình quân 8,36%.
Với nhiều bất cập như trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng biểu giá điện hiện hành phải được sửa đổi.
"Để tồn tại biểu giá điện hợp lý và được nhiều người đồng thuận, theo tôi nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3 - 4 bậc (tốt nhất là 3 bậc). Bố trí giá lũy tiến nhưng tính theo tỉ trọng tiêu dùng điện thực tế, bảo đảm không vượt giá điện sinh hoạt bình quân. Cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao nhưng cũng bảo đảm cho đơn vị kinh doanh điện bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lợi nhuận ở mức độ nhất định" - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam chia sẻ.
Sự thật thông tin 100% người dân hài lòng việc tăng giá điện Trước đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin "100% người dân hài lòng về việc tăng giá điện” được một số website, mạng xã hội chia sẻ gần đây, tối 9/6, Bộ Công Thương phát thông cáo khẳng định thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt, không chính xác. Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2020 đến nay, giá bán lẻ điện trong nước chưa có bất cứ lần tăng giá nào. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong cả năm 2020. |
Mai Anh