Thứ tư, 04/12/2024 04:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/11/2024 15:49 (GMT+7)

Hồ sơ kỹ thuật là tiêu chí bảo đảm chất lượng cho dự án trọng điểm quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, triển khai các dự án hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Góc nhìn từ gói thầu 4.8 sân bay Long Thành

Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có hiệu quả cao là thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm với tinh thần, trách nhiệm vì dân, vì nước. 

Trên cơ sở đó, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành được coi là dự án đang vào tiến độ “cao trào”, đặc biệt dự kiến năm 2026 sẽ đưa giai đoạn 1 đi vào khai thác, vì vậy, yêu cầu đặt ra là chủ đầu tư cần hết sức khắt khe, rà soát kỹ lưỡng từng khâu trong công tác đấu thầu. Từ các tiêu chí phân loại về dự án trọng điểm, cho thấy sân bay Long Thành là siêu dự án trọng điểm, do đó việc lựa chọn các nhà thầu với tiêu chí “chất lượng kỹ thuật, công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm” được đặt lên hàng đầu, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trên ba trụ cột Kinh tế - Môi trường – Xã hội cho một dự án trọng điểm Quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh các hạng mục thành phần triển khai vô cùng hiệu quả, đúng tiến độ, thì mới đây, tại gói thầu 4.8 “thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không” của dự án thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, vừa được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả trúng thầu, lại đang nhận được những kiến nghị từ phía liên danh trượt thầu.

Và câu chuyện này đang xoay quanh vấn đề “giá dự thầu”, nhưng bản chất lại là vấn đề chất lượng, bởi nguyên nhân xuất phát từ các tiêu chí đưa ra trong hồ sơ kỹ thuật. Bên cạnh góc nhìn pháp lý, điều này nói lên rằng, chủ đầu tư không thể đánh đổi chất lượng công trình lấy lợi ích tài chính hay các “mục tiêu” khác, an toàn trong chất lượng công trình dự án vẫn phải là vấn đề tối thiết, quan trọng hàng đầu, đó là trách nhiệm.

Từ chính sách pháp lý đến thực tiễn kiến nghị về kết quả gói thầu 4.8 dự án thành phần 3 cảng hàng không quốc tế Long Thành

Hồ sơ kỹ thuật là tiêu chí bảo đảm chất lượng cho dự án trọng điểm quốc gia - Ảnh 1

Tại Điều 16 của Luật Đấu thầu số 22/2023 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, trong đó Khoản 7 nêu rõ: “Tiết lộ những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định tại điểm b khoản 8 và điểm g khoản 9 Điều 77, khoản 11 Điều 78, điểm h khoản 1 Điều 79, khoản 4 Điều 80, khoản 4 Điều 81, khoản 2 Điều 82, điểm b khoản 4 Điều 93 của Luật này.

Như vậy, theo quy định pháp luật nêu trên, hành vi tiết lộ tài liệu, thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu là hành vị bị nghiêm cấm.

Cũng chính từ nội dung này, câu chuyện kiến nghị của liên danh trượt thầu tại gói thầu 4.8 nêu trên đang trở thành vấn đề được dư luận quan tâm, các chuyên gia pháp lý và kinh tế nghiên cứu. 

Cụ thể, Gói thầu 4.8: thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, vừa được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả trúng thầu. Giá trúng thầu là 11.066 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 685 ngày.

Tuy nhiên, liên danh trượt thầu gồm 7 doanh nghiệp (Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP LIZEN, Công ty CP Hải Đăng, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Tổng công ty Thăng Long) đã có đơn kiến nghị cho rằng việc bị đánh trượt do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là chưa thỏa đáng.

Nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện kiến nghị về các tiêu chí kỹ thuật trong hồ sơ dự thầu thì có lẽ phía chủ đầu tư và các bên liên quan sẽ căn cứ các quy định để làm rõ, trả lời, và không có gì đáng bàn, vì việc bảo đảm chất lượng cho công trình dự án đã có các tiêu chí kỹ thuật cụ thể. Thế nhưng, trong đơn kiến nghị mới nhất gửi ACV hôm 1/11 vừa qua, liên danh 7 nhà thầu trên cho biết “giá đấu thầu của họ thấp hơn 1.000 tỉ đồng so với giá của liên danh trúng thầu, nhưng vẫn bị đánh trượt”.

Như vậy, nếu theo quy định thì nhà thầu phải vượt qua vòng kỹ thuật mới được xét về hồ sơ đề xuất tài chính. Và câu hỏi đặt ra, liệu phía liên danh trượt thầu gói 4.8 đã làm lộ thông tin rất quan trọng trong quá trình đấu thầu? Bởi, một số chuyên gia đấu thầu khẳng định việc mở đề xuất về tài chính, trong đó có xét đến giá chào thầu là bao nhiêu chỉ được bên mời thầu, chủ đầu tư thực hiện đối với những nhà thầu, liên danh nhà thầu đã vượt qua vòng đánh giá về kỹ thuật. Trao đổi với cơ quan báo chí, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Về nguyên tắc đấu thầu trên thế giới, dù là vốn nhà nước hay vốn tư nhân thì hội đồng xét thầu chỉ xem xét về giá khi nhà thầu vượt qua vòng đánh giá về kỹ thuật. Đây là nguyên tắc, không chủ đầu tư, bên mời thầu nào chọn nhà thầu giá rẻ mà không đáp ứng về kỹ thuật.

Trên thực tế, gói thầu 4.8 được tổ chức theo hình thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, khi chủ đầu tư (ACV) chưa mở túi đề xuất về tài chính mà liên danh nhà thầu đã tiết lộ giá chào thầu thấp hơn giá gói thầu 1000 tỉ đồng là do liên danh nhà thầu tự tiết lộ, bên cạnh việc chưa đúng quy định tại Khoản 7 Điều 16 Luật Đấu thầu, vấn đề này có thể trở thành hành vi gây sức ép ngược với bên mời thầu, chủ đầu tư. Và câu hỏi được dư luận đặt ra, liệu trong đó có dấu hiệu dùng thông tin tiết lộ để “cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu… trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Luật Đấu thầu ?

Cần nhìn từ tiêu chí xét kỹ thuật để xác định

Giải thích về nguyên nhân liên danh do Trung Nam đứng đầu không vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật gói thầu 4.8, một đại diện của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho hay: Gói thầu 4.8 dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành có 2 liên danh nhà thầu tham dự. Gói thầu 4.8 là gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu theo hình thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Theo quy định về đấu thầu được thực hiện đánh giá theo 2 bước.

Bước 1 đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự đấu thầu và chỉ khi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của gói thầu 4.8 thì mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Theo kết quả đánh giá vòng xét kỹ thuật thì hồ sơ của liên danh nhà thầu do Trung Nam đứng đầu liên danh không vượt qua vòng đánh giá về kỹ thuật nên theo quy định, trình tự đấu thầu thì không mở hồ sơ đề xuất về tài chính.

Đến nay việc liên danh nhà thầu do Trung Nam đứng đầu nói giảm giá bao nhiêu khi chào thầu gói thầu 4.8 là do họ tự thông tin ra. Chủ đầu tư, bên mời thầu không mở túi đề xuất tài chính của liên danh nhà thầu do Trung Nam đứng đầu vì nhà thầu đã không đáp ứng kỹ thuật và đó là quy định, đại diện ACV cho biết thêm.

Hồ sơ kỹ thuật là tiêu chí bảo đảm chất lượng cho dự án trọng điểm quốc gia - Ảnh 2

Cũng theo thông tin từ đại diện ACV thì khi đánh giá đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu, liên danh nhà thầu tham dự gói thầu 4.8 (gồm nhiều tiêu chí về năng lực kinh nghiệm thi công, về vật tư vật liệu, trang thiết bị kỹ thuật đề xuất, biện pháp tổ chức thi công, …) thì tổng điểm kỹ thuật của liên danh nhà thầu do Trung Nam đứng đầu liên danh chỉ đạt hơn 700 điểm, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong khi yêu cầu của hồ sơ mời thầu là tổng điểm kỹ thuật tối thiểu phải đạt từ 800 điểm trở lên (tổng điểm của hồ sơ mời thầu là 1000 điểm). Trong đó có một số mục điểm kỹ thuật cụ thể liên danh nhà thầu do Trung Nam đứng đầu không đạt, điều này cũng được chủ đầu tư nêu rõ trong thông báo kết quả đấu thầu gửi tới các nhà thầu tham dự đấu thầu.

Từ thực tiễn gói thầu 4.8 dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, cho thấy, đối với một dự án trọng điểm quốc gia thì vấn đề bảo đảm các tiêu chí chất lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề sống còn, và các bên tham gia cần sòng phẳng trong thương vụ cạnh tranh này. Bởi, cùng với quy định pháp luật khi chưa mở hồ sơ đề xuất tài chính thì không được tiết lộ thông tin giá chào thầu, nhưng đối với các doanh nghiệp hay chủ đầu tư, họ có quyền đặt câu hỏi: Việc chào giá thấp hơn nhưng điểm hồ sơ kỹ thuật cũng thấp hơn thì mức đề xuất tài chính đó liệu có bảo đảm? Ở góc nhìn cơ quan ngôn luận, đây cũng là một đánh giá cần được làm rõ, đặc biệt đó lại thuộc dự án trọng điểm của Quốc gia.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Hồ sơ kỹ thuật là tiêu chí bảo đảm chất lượng cho dự án trọng điểm quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới