Thứ bảy, 20/04/2024 05:55 (GMT+7)
Thứ ba, 22/06/2021 15:48 (GMT+7)

Hồ chứa lớn nhất ở Mỹ cạn kiệt do nắng nóng, hạn hán kéo dài

Theo dõi KTMT trên

Hồ chứa lớn nhất nước Mỹ đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nước do đợt nắng nóng gay gắt hiện tại và hạn hán kéo dài 22 năm.

Theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ, một khu vực rộng lớn ở Nevada, Arizona và Utah đang trải qua một "đợt hạn hán đặc biệt" - mức độ cao nhất trong thang đo hạn hán.

Nằm giữa bang Nevada và Arizona và hình thành bởi đập Hoover, hồ Mead chứa lượng nước khổng lồ hơn 32 tỉ m3 và là hồ chứa có công suất nước lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, hồ này đã không đạt được công suất lớn nhất trong hơn 22 năm qua do hạn hán nghiêm trọng trong khi nhu cầu về nước gia tăng, và hiện đã chạm mức thấp nhất trong lịch sử. Tính ở mốc của ngày 14/6, hồ Mead chứa khoảng 11 tỉ m3 nước, chỉ bằng khoảng 36% dung tích đầy đủ.

Hồ chứa lớn nhất ở Mỹ cạn kiệt do nắng nóng, hạn hán kéo dài - Ảnh 1
Nước ở Hồ Oroville - hồ chứa lớn thứ hai của bang California - đã giảm mạnh vào mùa hè này.

Mike Bernardo, người quản lý hoạt động sông cho khu vực lưu vực Hạ Colorado của Cục Khai hoang Mỹ cho biết, hồ Mead nằm trên sông Colorado - hệ thống sông cung cấp nước cho hàng chục triệu người ở 7 bang lưu vực cũng như Mexico, nhưng dự báo, khu vực này sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt nước cấp độ 1 vào năm 2022.

Theo nhà khí tượng học cao cấp của AccuWeather, Carl Erickson, lượng mưa cuối cùng có thể đo được ở khu vực hồ Mead là vào ngày 16/5 là 2,5mm. Trước đó, ngày 11/3, lượng mưa đạt 16mm. Tổng lượng mưa từ đầu năm đến ngày 15/6 là 21mm. Trong khi đó, lượng mưa trong cùng khoảng thời gian này là 51mm. Erickson nói thêm, khu vực này có thể vẫn khô hạn cho đến đầu tháng 7. Cho đến nay, không có lượng mưa nào có thể đo được trong tháng 6.

Trao đổi với AccuWeather, ông Matthew Lachniet, nhà cổ sinh vật học, người nghiên cứu lịch sử khí hậu của hành tinh cho biết: “Thiên nhiên có thể gây ra cho chúng ta những đợt hạn hán kéo dài hàng trăm năm, thậm chí, hàng nghìn năm. Tuy vậy, tác động của con người cũng góp phần gây ra hạn hán”.

Hệ thống nước, bao gồm các đập Hoover, Davis và Parker, được thiết kế để lấy và trữ nước lúc lưu lượng chảy cao, sau đó cung cấp nước tích trữ trong thời gian hạn hán và dòng chảy thấp. Tuy vậy, hạn hán càng kéo dài thì tác động của quá trình đó càng lớn.

“Chúng ta đã trải qua 22 năm hầu hết là những năm hạn hán. Chỉ có 5 trong số 22 năm đó có lượng nước chảy vào cao hơn mức trung bình. Lớp băng tuyết ở Rockies cung cấp khoảng 90% lượng nước cho sông Colorado. Con sông này cung cấp nước cho cả hồ Mead và Powell. Hồ Powell hiện cũng chỉ chiếm khoảng 34% công suất tối đa”, Bernardo nhấn mạnh.

Theo Patti Aaron, một nhân viên công vụ tại Cục Khai hoang Mỹ, sẽ mất từ 3 đến 4 năm các lớp băng tuyết trên mức trung bình ở Rockies mới lấp đầy hồ Mead và hồ Powell.

Trước tình hình trên, các nhà chức trách đã cố gắng trấn an công chúng rằng, các nỗ lực bảo tồn có thể giúp hạn chế tình trạng thiếu nước. "Không có gì bất ngờ khi chúng ta đã trải qua 22 năm hạn hán và điều đó không nằm ngoài kế hoạch. Chúng ta có rất nhiều kế hoạch để giữ cho hồ chứa không xuống mức tới hạn", Aaron khẳng định.

Bên cạnh đó, người dân và các bang cũng phải nỗ lực để bảo tồn nước. Theo Aaron, tuyên bố thiếu hụt nguồn nước sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm nguồn nước đối với Arizona, Nevada và Mexico.

Ngoài hạn hán, miền Tây nước Mỹ cũng đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ gần 50 độ C. Theo các nhà khí tượng học, đợt nắng nóng bất thường vào cuối mùa xuân là do áp suất cao hình thành trên các sa mạc phía Tây Nam.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cũng đưa ra cảnh báo đỏ về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tại các bang Arizona, California, Nevada và Utah trong bối cảnh các đám cháy rừng lớn đã bùng phát ở các bang Colorado và Arizona.

Lan Chi

Bạn đang đọc bài viết Hồ chứa lớn nhất ở Mỹ cạn kiệt do nắng nóng, hạn hán kéo dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới